Giao mùa, trẻ nhập viện tăng cao

Nhiệt độ nóng lạnh thất thường, đặc biệt tiết trời mưa nhiều, độ ẩm cao là yếu tố thuận lợi cho việc sinh sôi, phát tán mầm bệnh. Đó là nguyên nhân vì sao thời điểm này, nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết…

Nhiều bệnh nhi hô hấp, tiêu hóa

Theo BS Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), một tuần trở lại đây, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 3.500 bệnh nhi đến khám chữa bệnh. Trong đó, khoảng 7% bệnh nhân phải nhập viện do: Sốt cao co giật, tiêu chảy cấp có mất nước, viêm phổi có suy thở. Nếu so với cùng thời điểm các năm trước thì số lượng bệnh nhân không tăng, nhưng so với các tuần trước thì số lượng bệnh nhi tăng hơn (thông thường trung bình 2.500 - 3.000 trẻ/ngày - PV).

“Thời tiết thất thường nên nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp. Trong buổi khám gần đây của tôi tại phòng khám cho thấy, có đến 70 - 80% số bệnh nhi là mắc bệnh hô hấp. Vì số giường bệnh có hạn nên chúng tôi buộc phải khống chế “đầu vào”, chỉ bệnh nhân viêm phổi nặng mới cho nhập viện; còn những trường hợp viêm phổi nhẹ hoặc viêm tiểu phế quản thì được hướng dẫn, cho điều trị tại nhà”, BS Nguyễn Thị Mai Hoàn, Phó trưởng Khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương cho biết.

Hơn 10 ngày nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa tăng hơn hẳn.

Những ngày này, khoa Hô hấp luôn ở trong tình trạng quá tải, dù khoa đã tận dụng cả khu vực hành lang, khoảng trống giữa các buồng bệnh, kê thêm vài chiếc cũi nhỏ… song một số cháu vẫn phải nằm ghép 2 bệnh nhi/giường. BS Mai Hoàn cho hay, thời tiết chuyển mùa, tỷ lệ trẻ có yếu cố cơ địa dị ứng nhập viện cao hơn. Bên cạnh đó, cũng có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhi viêm phổi nặng chỉ vì cha mẹ chăm sóc, điều trị chưa đúng cách hoặc tự ý dùng thuốc kháng sinh khiến sức khỏe của trẻ trầm trọng hơn.

Tại TP Hồ Chí Minh, thời điểm này, ngoài nỗi lo lắng về nguy cơ gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và dịch bệnh do virút Zika, ngành y tế còn tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh qua đường hô hấp như: Thủy đậu, quai bị, rubella, cúm…

“Tuần qua, qua giám sát ghi nhận 84 ca bệnh tay chân miệng nhập viện (chủ yếu là trẻ nhỏ), tăng 12% so với trung bình 4 tuần trước (69 ca). Số ca bệnh cộng dồn đến tuần 14 là 952 ca”, một đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay.

Tại Tiền Giang, do ảnh hưởng của nóng kéo dài, khoảng từ giữa tháng 3/2016 đến nay, số trẻ đến điều trị tại các trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn cũng tăng đột biến. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng...

“Đến cuối tháng 3/2016, tỉnh Tiền Giang có gần 600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 234% so với cùng kỳ năm trước; 140 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và 19 ca thủy đậu… Tại bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 trẻ với các chứng bệnh trên”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo cho biết.

Giữ vệ sinh và thân nhiệt ổn định

Để phòng tránh bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, BS Trương Thúy Vinh khuyến cáo: “Các bậc cha mẹ nên chú ý cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, không để trẻ nóng vã mồ hôi, không để gió lạnh lùa vào cơ thể và mặt. Mặt khác, cần thông thoáng cửa sổ, không đóng quá kín. Nếu có máy hút ẩm thì nên sử dụng”.

Đối với bệnh tiêu chảy, cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi để phòng bệnh, không ăn thức ăn lưu giữ lâu trong tủ lạnh. Trường hợp trẻ bệnh, phải cho uống đủ nước điện giải, tránh tình trạng mất nước. Chú ý pha gói Oresol theo hướng dẫn, cho uống từ từ, tránh uống từng cốc lớn nhất là khi trẻ quá khát. Về dinh dưỡng, cần chia nhỏ bữa ăn để tránh nặng gánh đường ruột mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Chỉ đưa đến bệnh viện gần nhất trong trường hợp: Sốt cao trên 39oC liên tục, dùng thuốc hạ nhiệt không giảm; từ chối uống nước điện giải, nôn nhiều, tiêu chảy mạnh, lượng nước không đảm bảo hồi phục đủ.

Riêng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ nên thực hiện: Ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch. Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thường xuyên lau chùi các bề mặt tường, sàn nhà, đồ vật, tay nắm cửa, vịn cầu thang, đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ bằng các dung dịch tẩy rửa, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám ngay và thông báo cho y tế địa phương. Đối với trẻ đang đi học, phụ huynh cần cho trẻ mắc bệnh nghỉ học để tránh lây lan bệnh trong trường học.

“Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong thời gian qua ổn định và trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm như MERS-CoV, cúm A(H7N9) và đặc biệt là bệnh do vi rút Zika. Đồng thời, dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng có nguy cơ bùng phát trên địa bàn nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể trong việc chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh”. 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.


Phương Liên - Công Trí
Đà Nẵng: Trẻ nhập viện tăng cao do thời tiết nắng nóng
Đà Nẵng: Trẻ nhập viện tăng cao do thời tiết nắng nóng

Tình trạng nắng nóng kéo dài khiến số trẻ khám, nhập viện tại Đà Nẵng tăng cao, dẫn đến tình trạng quá tải khiến công tác khám và điều trị nội trú gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN