Giảm nghèo nhanh nhưng còn thiếu bền vững

Giảm nghèo được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự thay đổi của nông thôn. Tuy nhiên, khi bị giao chỉ tiêu thì nhiều địa phương giao “khoán” dẫn đến việc thoát nghèo chưa thực sự bền vững.


"Nhường" suất hộ nghèo


Với thu nhập chỉ trông vào cây lúa và đàn gà, từ gần chục năm nay, chị Lương Thị Hải (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đang phải nuôi người chồng bệnh tật và cháu nội do người con trai mất để lại. Thế nhưng, từ năm 2012, chị Hải ra khỏi danh sách thoát nghèo. Chị Lương Thị Hải cho biết: "Với mức thu nhập khoảng 300.000 đồng/tháng thì gia đình tôi chưa được coi là thoát nghèo; nhưng do thôn đề xuất phải giảm hộ nghèo nên tôi đồng ý để nhường cho hộ khác khó khăn hơn".

 

Làm dâu, nuôi tằm tại gia đình chị Lê Thị Giảng, nông dân làm kinh tế giỏi của xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.Hoàng Hùng - TTXVN


Theo ông Trịnh Bá Đức, cán bộ xã Đông Lỗ: "Hiện chỉ tiêu hộ nghèo của xã là 11%, tương đương với 199 hộ nghèo. Để đạt được chỉ tiêu hộ nghèo theo chương trình xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2013, xã đang phấn đấu giảm được 3% hộ nghèo, tương đương với khoảng 50 hộ, và đến năm 2015, xã phấn đấu còn 3 - 4% hộ nghèo.


Từ chỉ tiêu này của xã, các thôn cũng được phân bổ tỷ lệ tương ứng. “Dù đó là tỷ lệ theo cách nói của xã là để phấn đấu, tuy nhiên lại gắn với thi đua, phong trào của thôn nên rất khó khăn cho bình chọn. Năm nay, chúng tôi được giao giảm từ 19 hộ xuống 15 hộ nghèo và nếu tiếp tục giảm hộ nghèo nữa thì sẽ rất khó”, ông Trần Việt Hào, Trưởng thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ cho biết.


Thực tế, rất khó để đưa các gia đình ra khỏi danh sách thoát nghèo khi thu nhập của người dân nông thôn là sàn sàn như nhau và chưa đủ lực để thoát nghèo. Khi lãnh đạo thôn đứng ra xét duyệt từng nhà thì dẫn đến tình trạng nhiều hộ kiến nghị: Tại sao gia đình tôi không được vào hộ nghèo? Thậm chí, có trường hợp còn so đo gia cảnh, đồ đạc trong từng nhà để đánh giá. Làm không khéo thì mất tình làng nghĩa xóm.


Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Lỗ, Huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho rằng: "Huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho xã, xã giao cho thôn nên từng thôn sẽ khảo sát đưa các hộ ra khỏi danh sách thoát nghèo. Tuy nhiên, với vùng thuần nông, để giảm nghèo thực chất thì sẽ khó vì nếu chỉ tính bình quân trên cây lúa thì hầu hết thu nhập sàn sàn nhau, gặp năm mất mùa thì thu nhập còn giảm nữa. Trong khi đó, rất khó đánh giá các thu nhập khác của từng hộ gia đình. Do đó, các thôn bình chọn chủ yếu dựa vào tình trạng gia cảnh.


Cùng chung nhận định này, ông Vương Hữu Bằng, trưởng xóm Đồng Cỏ (thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), chia sẻ: “Là vùng thuần nông nên chúng tôi chỉ trông vào cây lúa. Năng suất cao và có giá thì nông dân bớt khổ. Nhưng gần đây chúng tôi lâm vào điệp khúc được mùa mất giá, mất mùa thì không có thu nhập, giá lại tăng khiến nông dân thêm khó. Chính vì vậy việc giảm nghèo theo tiêu chí nông thôn mới sẽ rất khó nếu căn cứ vào thu nhập từ nghề nông; còn thu nhập từ ngoài nghề nông khó chính xác. Thông thường những hộ nghèo thực sự thường là người già neo đơn, hộ sinh nhiều con và người tàn tật. Những đối tượng này không thể giảm nghèo được. Còn lại những gia đình còn sức lao động thì gia cảnh na ná nhau".


Không có nghề phụ, thu nhập chỉ trông vào cây lúa, bấp bênh và thiếu ổn định, những người nông dân sẽ khó thoát nghèo chỉ trong vòng một vài tháng theo chỉ tiêu của xã giao. Đến thời điểm này, mong muốn lớn nhất của họ là được tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo bằng chính thực lực của mình.


Cần có chính sách giảm nghèo bền vững


Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cố vấn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, cho biết: "Mục tiêu của chúng ta là giảm bớt hộ nghèo, nên các chính sách đều phải hướng đến giảm nghèo; nhưng không nên khoán cho người dân giảm nghèo. Hiện một số địa phương đưa ra chỉ tiêu giảm nghèo trở thành chỉ tiêu cứng, rồi chia cho cơ sở buộc ra khỏi hộ nghèo thì làm như vậy phản chính sách, là mắc bệnh thành tích.


Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua giám sát nhận thấy một số địa phương chưa thực sự dân chủ trong giảm nghèo. Nhiều nơi bị áp đặt từ quy trình rà soát, bình xét, công nhận và đưa ra khỏi danh sách nên dẫn đến hệ quả việc thoát nghèo chưa thực sự bền vững.


Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Bộ đã có văn bản hướng dẫn quy trình về giảm nghèo hàng năm theo 3 bước: Nhận dạng tài sản và thu nhập của hộ gia đình; điều tra về thu nhập xem có dưới chuẩn nghèo; bình xét hộ nghèo tại cơ sở (phải có tối thiểu đại diện 50% số hộ gia đình thì mới có giá trị, nhằm đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở). Những trường hợp mà các địa phương “khoán, giao chỉ tiêu” giảm nghèo, Bộ LĐTBXH đã có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu phải điều tra, rà soát, bình xét đúng đối tượng, đánh giá đúng thực chất nghèo trên địa bàn.


Bộ LĐTBXH cũng đề nghị điều chỉnh chính sách bởi thực tế có bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo. Việc mở rộng hỗ trợ chính sách tới người cận nghèo và hộ mới thoát nghèo sẽ giúp họ không rơi xuống ngưỡng nghèo đói và tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.


Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN