Giám đốc báo chí Thụy Sĩ đánh giá về Hiệp định Geneva 1954

Nhân kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Geneva, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn ông Guy Mettan, Giám đốc Điều hành Câu lạc bộ Báo chí Thụy Sĩ và là nghị sỹ bang Geneve, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Geneve, thành phố vì hòa bình: Từ Hội nghị 1954 về Đông Dương tới hợp tác quốc tế". Dưới đây là nội dung buổi trao đổi:

 

Giám đốc Guy Mettan trả lời phỏng vấn PV TTXVN tại Geneva - Tố Uyên


PV: Là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Geneva: City of Peace”, ông có thể cho biết ý nghĩa chính của các cuộc đàm phán cũng như môi trường địa chính trị dẫn đến Hiệp định Geneva về Đông Dương năm 1954?

 

Ông Guy Mettan: Hội nghị Geneva khai mạc ngày 26/4/1954 bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Giai đoạn một, các đại biểu bàn về Triều Tiên song không đạt được kết quả gì. Bắt đầu từ ngày 8/5, vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận và sau hơn hai tháng đàm phán đã đi đến ký kết Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương.

 

Hiệp định Geneva 1954 có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất là đã mang lại hòa bình, mặc dù giai đoạn hòa bình cũng không phải kéo dài lắm ở trong khu vực. Sau đó, cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc vì có sự xuất hiện ở Mỹ ở miền Nam Việt Nam và cuộc chiến đấu thống nhất đất nước lại tiếp tục.

 

Ý nghĩa thứ hai liên quan đến vấn đề địa chính trị khi lần đầu tiên trong giai đoạn chiến tranh lạnh, thử nghiệm về đàm phán liệu có mang lại thành công. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên các nước thế giới thứ ba được chấp nhận tham gia vào bàn đàm phán quốc tế và cũng là thời điểm xuất hiện một cường quốc tương lai với chế độ thuộc địa kiểu mới.

 

PV: Hiệp định Geneva 1954 đã mở đường lực lượng cách mạng ba nước Đông Dương dẫn tới sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của Pháp, ông đánh ra ra sao về mối quan hệ quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới ở thời điểm đó?

 

Ông Guy Mettan: Có thể nói Hiệp định Geneva 1954 đã phát ra tín hiệu rằng cuộc đấu tranh phi thực dân hóa chế độ thuộc địa sẽ thành công. Mặc dù cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau đó lại chưa thể kết thúc vì có sự xuất hiện của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và cuộc đấu tranh lại tiếp tục. Nhưng đối với các quốc gia khác cũng như phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới, Hiệp định chính là nguồn cổ vũ lớn cho cuộc chiến giành độc lập của các nước châu Á, Phi, Mỹ Latinh, nhất là sau chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ của Việt Nam. Điều đó thể hiện những người đấu tranh vì độc lập, tự do ở Việt Nam có thể giành được chiến thắng.

 

Hiệp định Geneva đánh dấu sự kiện lịch sử rất quan trọng không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả thế giới và người dân Geneve vào thời điểm giữa những năm 1950. Đây cũng là chủ đề giữa hai phe trong cuộc chiến tranh lạnh và cũng là chủ đề cho cả thế giới. Có thể nói Hiệp định Geneva là bước ngoặt thay đổi số phận của thế giới khi mà các nước phương Tây thấy rằng đã đến lúc không thể duy trì chế độ thuộc địa như trước kia.

 

PV: Theo ông, tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa thế nào đối với kết quả đàm phán của Hội nghị Geneva 1954?

 

Ông Guy Mettan: Có thể nói chiến thắng Điện Biên Phủ là điều không thể nghĩ đến khi một lực lượng vũ trang của một quốc gia mới xuất hiện như Việt Nam lại có thể chiến thắng quân đội chính quy như Pháp. Chắc chắn điều này đã để lại những tác động đáng kể trên bàn đàm phán và quả thực là bất ngờ lớn đối với người Pháp, bởi họ tưởng rằng, họ sẽ chiến thắng.

 

Để có được chiến thắng quan trọng như vậy, phải cần tới hai điều kiện, đó là phải tập hợp được sức mạnh tập thể và đi liền với nó là phải có một nhân cách lớn, năng lực vượt trội hội đủ khả năng thu hút, thu phục nhân tâm để biến sức mạnh của từng cá nhân thành sức mạnh của tập thể. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, cả thế giới phải thừa nhận tài năng và nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như sức mạnh quật cường của lực lượng cách mạng Việt Nam.

 

Tố Uyên

LHQ kêu gọi các bên dự Geneve II bảo vệ trẻ em Syria
LHQ kêu gọi các bên dự Geneve II bảo vệ trẻ em Syria

Lãnh đạo các cơ quan nhân đạo LHQ và các đối tác nhân đạo hàng đầu thế giới đã cùng ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi các bên tham gia Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria (Geneva II) tại Thụy Sĩ sớm có hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN