Gia tăng trẻ mắc bệnh viêm não

Tại các cơ sở y tế, số ca mắc bệnh viêm não, nhất là viêm não Nhật Bản đang có xu hướng gia tăng. Đáng tiếc, nhiều bệnh nhi dù đã kết thúc điều trị nhưng vẫn phải mang di chứng trầm trọng như liệt toàn thân, trí tuệ sa sút…


Biến chứng nặng nề


Hơn một tuần nay, gia đình anh Lê Đình Hạnh (Mỹ Đức, Hà Nội) sống trong tâm trạng vô cùng lo lắng khi Lê Đình Thắng, cậu con trai độc nhất đang điều trị viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

 

Chăm sóc cho bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Anh Lê Đình Hạnh chia sẻ: “Cháu bị nôn, sốt hôm trước thì hôm sau gia đình đưa ngay tới khám tại bệnh viện tỉnh; tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm não nên chuyển cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ đó đến nay, bệnh tình của cháu vẫn chưa thuyên giảm, chỉ có thể ăn qua xông. Bác sĩ cho biết cháu đã bị di chứng về thần kinh và vận động nên gia đình tôi lo lắm, trước mắt, chỉ mong cháu tỉnh lại”. Nói rồi, để chống viêm phổi cho con trai do nằm li bì trên giường bệnh, anh Hạnh khẽ trở người, vỗ nhẹ lưng và lần lượt xoa bóp chân, tay cho cháu Thắng, ánh mắt người cha luôn nặng trĩu âu lo.


Theo BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài cháu Lê Đình Thắng, khoa đang điều trị cho 14 trẻ mắc bệnh viêm não, trong đó có một số ca viêm não Nhật Bản. Với bệnh viêm não, số trẻ phải mang di chứng sau điều trị thường chiếm tỷ lệ 10 - 15%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm thường có 400 - 600 ca viêm não, trẻ mắc viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10% trong số đó.


“Sở dĩ cần phải quan tâm tới việc phòng, điều trị bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng bởi đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ di chứng cũng rất nặng nề dù bệnh nhi đã được cứu sống. Trẻ thường bị di chứng về tinh thần, vận động như nằm im, co cứng cơ, không thể vận động; di chứng nhẹ hơn thì chậm phát triển tinh thần, dù có thể đi lại được nhưng trí tuệ kém, học hành sa sút”, BS Đỗ Thiện Hải cho biết.


Cũng theo BS Hải, việc trẻ bị liệt, không thể vận động phải nằm yên một chỗ rất nguy hiểm. Khi đó, trẻ không ho, không hắt hơi được, dịch tiết sẽ ứ đọng ở đường hô hấp nên có thể tử vong vì viêm phổi.


Không riêng gì Bệnh viện Nhi Trung ương, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu hè tới nay, cũng tiếp nhận điều trị cho hơn 10 trẻ mắc bệnh viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản.


BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Thông thường, thời điểm này đang vào mùa viêm não tại miền Bắc; còn ở khu vực phía Nam bệnh viêm màng não xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, bệnh nhi mắc viêm não tại bệnh viện bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Khoa đang điều trị cho 6 - 7 trẻ. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 2 - 8 tuổi.


BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 100 ca nhập viện điều trị viêm màng não.


Cần chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh


Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Số ca viêm não ghi nhận tại các cơ sở y tế nhiều hơn trước do bệnh viêm não Nhật Bản thường gia tăng vào tháng 5 - 7 hàng năm”.

Bệnh nhân viêm não cần điều trị tích cực trong vòng 3 - 4 ngày đầu tiên mắc bệnh, nếu muộn thì quá trình điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong và biến chứng nặng rất cao. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện như: Sốt, nôn khan (dù không ăn), li bì, đau đầu, trẻ nhỏ quấy khóc không có nguyên nhân…
BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương


Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 260 ca viêm não (gồm cả viêm não Nhật Bản); trong đó, đã có 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái số mắc giảm, tuy nhiên dự báo thời gian tới số mắc có thể tiếp tục gia tăng do ở khu vực phía Bắc, mùa hè là thời gian cao điểm của bệnh viêm não, đặc biệt viêm não Nhật Bản”.


Cũng theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, năm 2013, Việt Nam ghi nhận 877 ca viêm não do virút, 19 ca tử vong; trong đó, viêm não Nhật Bản chiếm 9,1%.


Bệnh viêm não Nhật Bản thường lây truyền qua muỗi đốt và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm phòng vắcxin. Nhưng thực tế điều trị tại các cơ sở y tế cho thấy, nhiều trẻ mắc bệnh và biến chứng nặng đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ như khuyến cáo của Bộ Y tế (mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi).


Để chủ động giảm tối đa số ca mắc, tử vong và biến chứng do viêm não Nhật Bản, năm 2014 là năm đầu tiên Dự án tiêm chủng mở rộng thực hiện tiêm phòng vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ dưới 5 tuổi ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố chứ không chỉ giới hạn ở 90% các địa phương như các năm trước đây. Tại Hà Nội, sẽ triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vào ngày 20 - 21/6 tới.


“Năm nay, ngành y tế triển khai tiêm vắcxin rộng hơn để chủ động phòng bệnh cho trẻ, chứ không có nghĩa hoạt động này là tiêm phòng dịch hoặc dịch bệnh đang diễn biến bất thường. Trước đây, do kinh phí có hạn nên Dự án tiêm chủng mở rộng chỉ triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ ở 90% các tỉnh, thành phố”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.


Ngoài việc chủ động tiêm phòng vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt; thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/loăng quăng để giảm vật trung gian truyền bệnh. Bên cạnh đó, để phòng tránh một số bệnh viêm não do các virút khác gây ra (virút herpes, các virút đường ruột và các virút mà ta chưa biết rõ), người dân cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm…


Phương Liên - Đan Phương

Đã có 75 ca viêm não mô cầu và tay chân miệng
Đã có 75 ca viêm não mô cầu và tay chân miệng

Ngày 30/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: ngoài một số trường hợp lẻ tẻ mắc viêm não mô cầu và bệnh tay chân miệng đã được kiểm soát chặt chẽ còn các dịch bệnh khác không có diễn biến đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN