Gia đình lính biển

Bây giờ, tại các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, trồng rau xanh, rồi nuôi gà, vịt, chó, lợn và cả bồ câu đã trở thành chuyện bình thường. Việc trồng rau xanh và nuôi gia cầm trên Nhà giàn DK1 trở thành phong trào thi đua bắt đầu từ đầu năm 2011. Đến nay 100% các nhà giàn có rau xanh ăn hàng ngày, một tuần làm thịt một con vịt hoặc gà, còn chim bồ câu thì đẻ trứng ấp thành con - một kiểu mẫu gia đình nông thôn Việt Nam giữa ngàn trùng sóng gió.


Đặt chân lên nhà giàn DK1, chúng tôi không chỉ xúc động trước những nỗ lực vượt qua gian khó của chiến sĩ hải quân, mà còn bất ngờ bởi những mảng rau xanh mơn mởn đủ các loại rau từ cải, rau muống, mồng tơi đến lá lốt và cả những cây chanh bên những chuồng gà, chuồng heo được chăm sóc rất kỹ lưỡng. Tất cả như một nông trại thu nhỏ của một gia đình kiểu mẫu ở nông thôn Việt Nam.


Chăm sóc rau xanh ở nhà giàn DK1/15.


Kể về những khó khăn trong việc trồng rau và chăn nuôi trên Nhà giàn giữa biển khơi, thiếu nước ngọt, thừa nắng gió, thiếu tá Nguyễn Đình Hoán bắt đầu câu chuyện bằng câu nói: “Chúng ta là người có khối óc và hai bàn tay thì gian nan và vất vả mấy cũng qua được”. Anh tâm sự: “Mai An Tiêm đã trồng được dưa hấu trên đảo đầy cát trắng thì chúng tôi cũng đã nuôi, trồng được các vật nuôi trên nhà giàn giữa đại dương thiếu nước ngọt, nắng, gió rất khắc nghiệt và bất thường”.


Để trồng được rau xanh, chiến sĩ nhà giàn phải chuyển đất từ đất liền ra; đất trồng rau trong các mảng được luân phiên thay đổi cây trồng và một số bộ phận của cá mà các chiến sĩ câu được dùng để làm phân bón cây. Nước sinh hoạt được tận dụng làm nước tưới rau. “Gió biển là thứ đáng sợ nhất đối với các luống rau trên nhà giàn. Gió ở đây không phải chỉ một hướng mà liên tục thay đổi theo thời tiết nên việc che chắn gió cũng rất vất vả và tốn nhiều thời gian”- thiếu tá Nguyễn Đình Hoán cho biết thêm.


Phút giây nhớ nhà.


Chia sẻ với chúng tôi về công việc trồng rau xanh, trung úy Trương Công Định (giàn DK1/10) cho biết: Bây giờ ở đất liền trồng được rau gì thì ở đây chúng tôi cũng đã trồng được rau đó. Nhờ vậy, lượng rau xanh và thực phẩm tươi do anh em trồng đã đáp ứng được một phần nhu cầu. Công việc này vừa để giải trí vừa là trách nhiệm của những người lính ở nhà giàn”.

Quây quần bên bàn cờ là một trong các thú vui ngày nghỉ của các chiến sĩ.


So với công việc trồng rau, chăn nuôi trên nhà giàn cũng vất vả không kém. Việc đưa con giống và lựa chọn được giống vật nuôi thích nghi với thời tiết ở giữa đại dương mênh mông là khó nhất. Chỉ vào chuồng heo còn một con khoảng 70 kg (nhà giàn vừa giết thịt 1 con gần 80 kg), thiếu tá Nguyễn Đình Hoán cho biết, heo đưa trong bờ ra thường bị trúng gió chết, vì vậy những con thích nghi được trong quá trình nuôi cũng phải theo dõi chặt chẽ và che gió cẩn thận. Khi đã thích nghi được với thời tiết thì chúng cũng lớn nhanh như ở đất liền. Nuôi gia cầm trên nhà giàn còn khó hơn nuôi heo vì gió nhiều khiến chúng rất dễ chết. Điều đặc biệt, là gà nuôi ở đây đều là gà trống, nên mỗi khi chúng đồng loạt gáy thì rất náo nhiệt. “Tiếng chó sủa, gà gáy và những khoảnh rau tươi tốt ở đây còn là “liều thuốc” tinh thần cho người lính hải quân. Cứ mỗi lần nghe tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ai cũng có cảm giác như đang ở nhà, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi phần nào”- thiếu tá Nguyễn Đình Hoán tâm sự. Và câu chuyện trồng rau và chăn nuôi trên nhà giàn đã làm chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí lao động sáng tạo của người lính hải quân với mô hình “nuôi - trồng trên cánh sóng”.


Xúc động trước sự kiên cường, khắc phục khó khăn gian khổ của các chiến sĩ Nhà giàn, Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân đã sáng tác ca khúc “Màu xanh Nhà giàn”. Những ca từ như thấm vào gan ruột: “Ngôi nhà lính đó, nằm giữa trời và nước, dù ngoài khơi xa vẫn khoác một màu xanh, màu của quê hương thương nhớ bạt ngàn. Những ngôi nhà trên biển, người chiến sĩ ươm mầm tươi tốt, giống rau từ quê nhà gửi cả tình yêu mênh mông…”.

Bài và ảnh:Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN