Giá điện, giá xăng sẽ công khai và minh bạch hơn

Điện, giá điện và khả năng cung ứng điện luôn là một vấn đề nóng, nhất là mỗi khi mùa hè và mùa khô tới. Bên cạnh đó, người dân cũng thắc mắc về sự minh bạch của giá điện, giá xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời về những vấn đề này trong chương trình: “Dân hỏi Bộ trưởng” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Thị trường phát điện cạnh tranh” là khi các nhà máy điện trong một hệ thống điện, chào giá bán cho người mua, trên cơ sở người mua được lựa chọn những nhà máy chào giá thấp nhất. Từ ngày 1/7/2012, Việt Nam đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Đến nay, có 49 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 12.300 MW, chiếm khoảng 42% tổng công suất thiết kế của toàn bộ hệ thống điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh. Các nhà máy điện phải phấn đấu giảm chi phí sản xuất để được ưu tiên tham gia vào việc cung cấp điện.


“Đây là một trong những điều kiện để một mặt người sản xuất điện có thể sản xuất được điện giá rẻ, mặt khác người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá điện thấp. Đó là mục đích của thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện, cũng như tình hình hoạt động sản xuất của ngành điện nói chung, vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu được nắm rõ những chi phí, yếu tố liên quan đến giá điện của người dân. Đây chính là một trong những lý do Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11, ngày 22/4/2014 về công khai minh bạch giá điện”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

“Chưa có lúc nào ngành điện vận hành trong trạng thái tốt như hiện nay. Hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy, khi nhu cầu điện tăng bình quân từ 10 - 11%, ngành điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng được trong năm nay và năm 2015. Đặc biệt, ngày 5/5 vừa qua, đã đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, cung cấp điện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, vì vậy sẽ đảm bảo điện cho mùa khô này khu vực phía Nam”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng


Bộ trưởng cho biết thêm, những hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sản xuất và cho đời sống của nhân dân cần phải được thực hiện theo cơ chế công khai, minh bạch, bởi nó liên quan đến quyền lợi của người sử dụng. Điện và xăng dầu là hai mặt hàng thiết yếu cho đời sống, sản xuất hàng ngày, nên cần thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng phải có sự điều tiết của Nhà nước, để tránh tình trạng việc quy định giá, bán sản phẩm điện, xăng dầu đến người tiêu dùng không hợp lý. Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương đã nêu rõ 3 nội dung chính: Phải công khai những quy định về mặt pháp luật đối với giá điện, giá xăng dầu, cơ chế, biện pháp để điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với giá điện, giá xăng dầu; công khai về chi phí của ngành điện cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả về cơ cấu giá thành, những biến động của thị trường đối với loại hàng hóa điện và xăng dầu, những thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh kể cả thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện, ngành xăng dầu; quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa để những thông tin đó có thể đến với người dân một cách rộng rãi, cập nhật nhất.


“Tôi cho rằng với 3 nội dung của Chỉ thị 11, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nhận những thông tin công khai để kiểm tra, giám sát xem ngành điện và xăng dầu có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không. Thông qua việc công khai cơ cấu về giá điện, xăng dầu, người dân có quyền được lựa chọn giá hợp lý đối với mình. Đồng thời, cũng sẽ có khả năng tự xem xét, quyết định xem mình sử dụng điện, xăng dầu thế nào cho tiết kiệm và hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm: Với cơ chế công khai, minh bạch, Chỉ thị 11 sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất điện và xăng dầu, cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. “Vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước về điện và xăng dầu đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành điện, ngành xăng dầu và cũng định kỳ, thường xuyên công bố công khai những thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị này. Tuy nhiên, do làm chưa có hệ thống, chưa liên tục, nên nhiều nội dung chưa được công bố công khai đầy đủ. Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị 11 là để khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập trong việc công khai minh bạch trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện, xăng dầu và đặc biệt biết được là vì sao phải mua điện, mua xăng dầu với cái giá này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chỉ thị 11 cũng quy định chi tiết về tần suất công bố thông tin, về thời điểm, nội dung. Các phương tiện công bố thông tin là các trang web của Bộ Công Thương, các trang web của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các phương tiên truyền thông khác… nhằm đưa thông tin đến người dân và cũng là cầu nối để phản ánh những nguyện vọng, suy nghĩ, yêu cầu của người dân đối với các cơ quan có liên quan.

 

Trọng Thủy

Chặn ngay tình trạng đội giá công trình
Chặn ngay tình trạng đội giá công trình

Mới đây, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) thì nhiều người mới tá hỏa một sự thật: Vốn đầu tư cho công trình đã bị đội giá hơn 5.000 tỷ đồng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN