Gấp rút xây dựng các trạm cấp cứu tai nạn giao thông

Công tác sơ cấp cứu tai nạn đường bộ hiện nay đang gặp nhiều bất cập, khiến tỷ lệ nạn nhân tử vong từ các vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao do không được sơ cấp cứu kịp thời. Do đó, việc xây dựng các trạm “cứu tinh” tai nạn là yêu cầu bức thiết.


Hệ thống cấp cứu vừa yếu, vừa thiếu


Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích, trong đó TNGT đường bộ chiếm đến 95% số vụ TNGT. Tuy nhiên, năng lực của hệ thống cấp cứu trên đường bộ hiện rất hạn chế về nguồn lực, tổ chức không thống nhất giữa các địa phương. Nếu gặp phải tai nạn thì các tuyến đường thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…, có thể gọi được xe cấp cứu 115; còn nếu gặp sự cố tại các địa phương khác thì việc gọi xe cấp cứu 115 là rất khó khăn. Các thành phố lớn hiện cũng chỉ có khoảng 10 xe cấp cứu, còn lại các tỉnh chỉ có từ 2 - 3 xe cấp cứu, song hầu hết số xe này đều đã quá hạn sử dụng.


Tập huấn sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ. Ảnh: CTV

 

Bên cạnh đó, cũng chỉ những thành phố lớn mới có đủ đội ngũ bác sĩ cho mỗi kíp xe trực cấp cứu hàng ngày, còn các địa phương thường phải kết hợp cấp cứu 115 với hệ thống bệnh viện, để có thể huy động thêm các bác sĩ tham gia cấp cứu. Thực tế, tỷ lệ nạn nhân TNGT được cấp cứu, vận chuyển bởi cấp cứu 115 hiện nay thấp vì số lượng xe có hạn, địa bàn hoạt động lại rộng. Do đó, nhiều trường hợp khi xe cấp cứu đến hiện trường thì nạn nhân đã được vận chuyển bằng các phương tiện khác đến bệnh viện hoặc chuyển đến các trạm xá cơ sở.


Các bác sỹ chuyên khoa chấn thương tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Quân y 103… đều nhận định, thực tế trên lý giải vì sao hiện chỉ có khoảng 5-10% nạn nhân được sơ cấp cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn. Mặc dù số vụ TNGT đã giảm qua từng tháng, quý, năm, nhưng số ca chấn thương nặng giảm không đáng kể, do tai nạn thảm khốc có chiều hướng tăng. Quá trình sơ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân ở tuyến tỉnh, huyện chuyển đến các bệnh viện tuyến trên không đáp ứng được yêu cầu, từ khâu chăm sóc chấn thương ban đầu, bảo vệ hiện trường đến gọi hỗ trợ, vận chuyển an toàn… Nhiều bệnh nhân được chở đến bệnh viện bằng xe máy, mà không có sự hỗ trợ sơ cứu nào.


Đáng lo ngại là các vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu xảy ra trên các đường cao tốc, quốc lộ xa khu dân cư, nên việc tham gia cấp cứu của cộng đồng, bệnh viện cơ sở càng gặp nhiều khó khăn. Với các vụ TNGT nghiêm trọng, có số lượng nạn nhân lớn, khả năng ứng phó tại chỗ lại càng hạn chế.


Cấp bách xây dựng


TNGT đang là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật nhiều nhất so với các loại tai nạn thương tích khác. Tuy nhiên, thương vong do TNGT có thể giảm nếu có hệ thống sơ cấp cứu nhanh và chất lượng.


Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1203/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổ chức cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020, với mục tiêu cấp cứu và vận chuyển nạn nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất an toàn, hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho nạn nhân bị TNGT. Giai đoạn 2013 - 2015, phấn đấu 100% tỉnh, thành phố phải có hệ thống cấp cứu 115 đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện huyện, quận, thị xã, thành phố có năng lực sơ cấp cứu TNGT; nâng cấp 50% các trạm y tế hiện có trên mạng đường bộ cao tốc; thành lập thí điểm một trung tâm điều hành cấp cứu TNGT khu vực. Đặc biệt, 100% lái xe được cấp mới giấy phép lái xe từ năm 2015 phải có chứng chỉ đào tạo kỹ năng sơ cứu TNGT.


Bộ GTVT căn cứ quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 sẽ triển khai xây dựng 31 trạm cấp cứu; riêng trong năm nay hoàn thành 2 trạm trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, 2 trạm trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, 1 trạm trên đường Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Các trạm này sẽ phối hợp đồng bộ với mạng lưới bệnh viện GTVT cũng như cơ sở y tế trên địa bàn các tỉnh, thành phố nơi tuyến quốc lộ đi qua.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tập trung rà soát lại các trạm cấp cứu trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, nhất là QL 1A hiện nay. Hai bộ đã và đang triển khai 25 lớp học sơ cấp về sơ cấp cứu TNGT đường bộ cho các cán bộ y tế, cảnh sát giao thông dọc các tuyến quốc lộ trọng điểm.

 

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam có tổng chiều dài 5.873 km. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc Nam dài khoảng 3.262 km, tuyến phía Đông dài 1.941 km, tuyến phía tây khoảng 1.321 km. Trung bình 50 km đường cao tốc phải có một trạm cấp cứu TNGT đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế.


Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN