Eurozone thấp thỏm chờ Hy Lạp bầu cử lại

Ngày 17/6 tới, Hy Lạp sẽ tổ chức cuộc bầu cử lại. Đây được xem là thời khắc quyết định tương lai của Hy Lạp, bởi việc Aten sẽ tiếp tục ở lại trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay buộc phải ra đi hoàn toàn phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri dành sự ủng hộ cho đảng phái chính trị nào.


 

Những người ủng hộ đảng Syriza tại thủ đô Aten, Hy Lạp ngày 14/6/2012.

 

Theo giới phân tích, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, chiếm 0,4% kinh tế của toàn cầu, thế nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía nam châu Âu này lại có thể gây nên “cơn sóng thần tài chính” tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.


Các nước Eurozone và các nước châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch phản ứng nếu xảy ra tình trạng rối loạn trên thị trường khi hiện tượng ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục diễn ra sau ngày bầu cử 17/6 tới. Kịch bản này nhiều khả năng xảy ra nếu đảng cánh tả Syriza, về thứ hai trong cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp hôm 6/5 vừa qua và chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại. Khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ cắt nguồn tiền cứu trợ vào quốc gia nợ nần chồng chất này. Nếu Hy Lạp tiếp tục mua lại trái phiếu và trả lãi suất, nước này có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới.


Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến ngay trong chiều 17/6, khi cuộc bầu cử lại tại Hy Lạp kết thúc, để thảo luận về những diễn biến mới nhất và phương án hành động tiếp theo.


Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng cho biết, các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng triển khai những biện pháp để bình ổn thị trường tài chính nếu cần thiết, bằng cách bơm thanh khoản và ngăn chặn tình trạng đổ vỡ tín dụng có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tại Hy Lạp vào ngày 17/6.


Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo nếu Hy Lạp không muốn giữ những cam kết trước đó của mình với khu vực và xóa bỏ mọi triển vọng phục hồi, thì những thành viên khác trong Eurozone sẽ ủng hộ việc đẩy Hy Lạp ra khỏi nhóm.


Dương - Hạnh (tổng hợp)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN