EU tặng van khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ

Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình "Vesti vào thứ Bảy" của Sergey Brilev ngày 6/12, Chủ tịch tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom, ông Alesey Miller cho biết tập đoàn này sẽ thay đổi chiến lược với thị trường khí đốt châu Âu.

Ông Miller nói: "Chiến lược của chúng tôi sẽ thay đổi tại thị trường châu Âu, về nguyên tắc, quyết định đình chỉ dự án 'Dòng chảy phương Nam' là khởi đầu cho sự kết thúc mô hình hoạt động của chúng tôi trên thị trường này, khi chúng tôi tập trung vào cung cấp cho người tiêu dùng đầu cuối".

Ông Miller cho biết thêm, theo kế hoạch mới, điểm trao đổi dành cho các thị trường châu Âu và điểm giao khí đốt mới của Nga là biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung ở Ankara ngày 1/12. Ảnh: THX-TTXVN


Người đứng đầu Gazprom lưu ý rằng thỏa thuận về tuyến đường mới cung cấp khí đốt của Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ với tầm nhìn tới thị trường châu Âu thay thế tuyến "Dòng chảy phương Nam" cũ tới Bulgaria là quyết định giữa hai Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Gazprom chẳng mất gì


Theo ông Miller, Gazprom đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng "Dòng chảy phương Nam" trên lãnh thổ Nga 4 tỷ euro để tạo ra "Hàng lang phía Nam" đưa khí đốt tới tỉnh Krasnodar để chuyển vào trạm nén Russkaya. Tuy nhiên tập đoàn sẽ không mất số tiền đó vì tất cả những đầu tư này khi thực hiện dự án dẫn khí đốt qua biển tới Thổ Nhĩ Kỳ đều cần tới.

Quyết định khép lại dự án "Dòng chảy phương Nam" được đưa ra trong chuyến thăm mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông ký văn kiện mới, khởi đầu việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ với khả năng tiếp tục cung cấp khí đốt Nga cho các nước châu Âu.

Các công nhân làm việc tại đoạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Nam qua Bulgaria ngày 31/11/2013. Ảnh: AFP-TTXVN


EU tặng Thổ Nhĩ Kỳ van khí đốt của châu Âu

Trả lời câu hỏi Bulgaria mất gì và Thổ Nhĩ Kỳ được gì với việc đổi hướng tuyến đường ống "Dòng chảy phương Nam", ông Miller cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã tặng cho Thổ Nhĩ Kỳ van khí đốt dành cho châu Âu.


Ông lưu ý: "Hiện nay, qua Bulgaria chuyển tải 18 tỷ m3 khí đốt theo hướng Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia và Hy Lạp. Sau khi thực hiện dự án dẫn khí qua biển tới Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả khối lượng này sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không qua Bulgaria".

Ông Miller bình luận: "Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu đơn giản là tặng cho Thổ Nhĩ Kỳ van khí đốt và tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể tận dụng điều này trong đối thoại với châu Âu. Vâng, còn chúng ta có đối tác chiến lược mới trong kinh doanh khí đốt. Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường khí đốt đang phát triển rất năng động, theo số liệu năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ từ vị trí thứ 3 về khối lượng nhận khí đốt của chúng ta đã nhảy lên vị trí thứ 2. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia trung chuyển lớn. Qua lãnh thổ của họ sẽ trung chuyển 50 tỷ m3 khí đốt Nga, và không còn nghi ngờ gì rằng điều này sẽ nâng vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế sẽ trở thành trung tâm phân phối giống như Đức ở Bắc Âu".

Ông Miller cho biết thêm do việc ngừng "Dòng chảy phương Nam", Bulgaria mất 3 tỷ euro tiền đầu tư và thu nhập nhờ trung chuyển 18 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cùng 6.000 chỗ làm.


Duy Trinh

Quyết định dừng dự án 'Dòng chảy phương Nam' làm thay đổi chính trị khu vực
Quyết định dừng dự án 'Dòng chảy phương Nam' làm thay đổi chính trị khu vực

Ngay sau khi Nga quyết định dừng dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam", các nước liên quan đã có những phản ứng khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN