EU chia rẽ trước hội nghị thượng đỉnh

Trước khi hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU khai mạc, các nước trong Liên minh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung xung quanh ý tưởng phát hành trái phiếu chung của Khu vực đồng euro (Eurozone) như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công.


Ngày 26/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã công bố bản báo cáo dài 7 trang được soạn thảo làm nội dung cho hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6. Báo cáo hướng tới một liên minh ngân hàng và tài chính chặt chẽ hơn trong EU, mở đường cho việc phát hành trái phiếu chung nhằm đối phó với vấn đề nợ trong trung hạn.


 

Biểu ngữ “Tây Ban Nha không thể đem rao bán” trong một cuộc biểu tình phản đối bên ngoài Lãnh sự quán Đức ở Barcelona hôm 22/6/2012. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ngay lập tức tìm cách "chôn vùi" toàn bộ ý tưởng “biến nợ thành của chung”, vốn được Pháp, Italia và Tây Ban Nha ủng hộ này.


Trong cuộc họp kín với các nghị sĩ thuộc Liên minh Dân chủ Tự do cầm quyền tại Berlin (Béclin), nhà lãnh đạo Đức đưa ra tuyên bố cứng rắn: “Tôi sẽ không thừa nhận trách nhiệm pháp lý liên quan đến nợ chung chừng nào tôi còn sống trên đời”.


Chỉ trước đó một ngày, bà đã gọi ý tưởng trái phiếu Eurozone là một ý tưởng kinh tế “sai lầm và phản tác dụng”. Theo bà Merkel, những biện pháp như phát hành trái phiếu chung là giải pháp "dễ dãi", không giải quyết được cốt lõi của vấn đề - là sự thiếu kỷ luật tài chính và kiểm soát không hiệu quả từ EU.


Tuy nhiên, theo nguồn tin từ cuộc họp, Đức, với tư cách là nước chi tiền lớn nhất trong EU, sẵn sàng sử dụng các quỹ cứu trợ dành cho Eurozone một cách linh hoạt để hỗ trợ các ngân hàng và trấn an giới đầu tư đang hoang mang trước nguy cơ ngày càng tăng phải xóa nợ cho các chính phủ.


Các thị trường tài chính hiện đang trong tình trạng lao đao và áp lực quốc tế ngày càng tăng đòi EU phải có những hành động kiên quyết, tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh lần này, hội nghị thứ 20 kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu từ đầu năm 2010, không được kỳ vọng sẽ đưa ra một giải pháp lâu dài.


Tại Brúcxen, các lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ nhất trí với gói tăng trưởng trị giá khoảng 130 tỉ USD do Pháp đề xuất. Các nước cũng sẽ thảo luận đề xuất về một liên minh ngân hàng và chắc chắn sẽ trao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyền giám sát xuyên biên giới mạnh mẽ hơn.

 

Thu Hằng

Tây Ban Nha và CH Síp yêu cầu Eurozone cứu trợ
Tây Ban Nha và CH Síp yêu cầu Eurozone cứu trợ

Tây Ban Nha vừa chính thức đề nghị được cấp gói giải cứu hệ thống ngân hàng nước này trị giá 100 tỷ euro (125 tỷ USD) mà Khu vực đồng euro (Eurozone) đã nhất trí dành cho nước này ngày 9/6, trong khi CH Síp trở thành nền kinh tế thứ 5 trong Eurozone phải xin cứu trợ tài chính...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN