EU "bật đèn xanh" cho Quỹ cứu trợ khủng hoảng

Ngày 29/6, sau cuộc thảo luận diễn ra khá căng thẳng, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brúcxen (Bỉ) đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, cho phép áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn cấp để cứu trợ các nền kinh tế trước nguy cơ bị cơn bão nợ công nhấn chìm (như Italia và Tây Ban Nha).


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhận định, đây là một “bước đột phá thực sự” khi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cho phép sử dụng các quỹ cứu trợ thường trực theo cách linh hoạt và hiệu quả hơn, nhằm ổn định các thị trường và giúp giảm chi phí vay đối với những nước đang gặp khó khăn. Quyết định nhằm trấn an các thị trường tài chính này cũng mở đường cho Quỹ cứu trợ khủng hoảng trị giá 500 tỷ euro (630 tỷ USD) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng “ốm yếu”, mà không cần thông qua ngân sách quốc gia tại mỗi nước. Ngoài thỏa thuận trên, hội nghị cũng đã nhất trí một kế hoạch tổng thể dài hạn nhằm siết chặt quản lý ngân sách và tăng cường đoàn kết chính trị.


 

Các thành viên đảng Cánh Tả (Die Linke) phản đối Béclin tham gia hiệp ước tài chính EU. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Tuy nhiên, theo ông Rompuy, thỏa thuận này chỉ được thực hiện sau khi Eurozone thành lập Cơ quan giám sát ngân hàng chung dự kiến vào cuối năm nay.
Sau ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu EU đã nhất trí huy động 120 tỷ euro (khoảng 150 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, giúp những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong khối. Gói biện pháp trên do bốn nước thành viên Eurozone gồm Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đề xuất, với hy vọng sẽ thúc đẩy được tăng trưởng và tạo việc làm thông qua các dự án cơ sở hạ tầng liên quốc gia.


Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thể hoàn tất "Hiệp ước tăng trưởng và tạo việc làm", do Italia và Tây Ban Nha từ chối ủng hộ cho đến khi nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng từ các đối tác để giúp họ "cáng đáng" các chi phí vay mượn ngày càng tăng cao.


Cùng ngày, chấm dứt bế tắc kéo dài một thập kỷ qua, các lãnh đạo EU cũng đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm tạo ra một bằng sáng chế châu Âu chung, cho phép các nhà nghiên cứu dễ dàng hơn khi muốn bảo vệ phát minh của mình. Hiện nay, các công ty và nhà phát minh tại châu Âu phải xin bằng sáng chế tại các nước EU riêng rẽ, một thủ tục có thể tốn kém tới 20.000 euro mỗi lần, trong đó có 14.000 euro phí dịch thuật. Trong khi đó, tại Mỹ, họ chỉ mất 1.850 USD để bảo vệ độc quyền phát minh của mình.


Là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của EU kể từ năm 2010 và diễn ra trong bối cảnh "cơn bão" khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ quật ngã ngay cả một số nền kinh tế hàng đầu ở "lục địa già", hội nghị lần này được đánh giá là mang tính sống còn đối với tương lai đồng euro.


Trước những tiến bộ đạt được tại Brúcxen, các thị trường châu Âu ngày 29/6 đã đồng loạt đi lên. Thị trường chứng khoán tại Milan tăng vọt trên 5%, tại Mađrít và Pari cũng tăng hơn 4% và các thị trường chứng khoán Đức tăng 3%. Lãi suất đi vay của Tây Ban Nha và Italia cũng giảm mạnh, trong khi đồng euro tăng vọt so với USD, từ 1,2442 euro/USD lên 1,2693 euro/USD vào cuối ngày 28/6 tại New York.

 

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN