EC siết chặt kiểm soát lãi suất Libor

Ngày 25/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ trực tiếp giám sát các chỉ số tài chính quan trọng ở châu Âu như lãi suất Libor sau khi vỡ lở vụ bê bối thao túng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hồi cuối tháng 6/2012, làm muối mặt giới tài chính Luân Đôn và Liên minh châu Âu.


Lãi suất Libor được xác định dựa trên ước tính của các ngân hàng lớn về mức chi phí mà họ phải bỏ ra để đi vay từ các ngân hàng lớn khác và được sử dụng để quyết định lãi suất của các giao dịch trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày trên khắp thế giới. Hiện cuộc điều tra hành vi thao túng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ngày càng mở rộng ra phạm vi toàn cầu sau khi Cơ quan chống gian lận của Anh vào cuộc và có tin các nhà chức trách Đức cũng đã đưa Ngân hàng Deutsche Bank vào tầm ngắm.


Các nhà chức trách Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canađa đang điều tra hơn 10 ngân hàng lớn bị nghi ngờ có hành vi thao túng lãi suất Libor và Euribor, trong đó có Citigroup, UBS và RBS. Nhưng cho tới nay mới chỉ có Ngân hàng Barclays của Anh thừa nhận có hành vi sai trái và đồng ý nộp phạt số tiền kỷ lục hơn 450 triệu USD.


 

Giám đốc điều hành Barclays, Bob Diamond từ chức hôm 3/7/2012 sau quá nhiều áp lực. Ảnh: Internet

 

Hôm 3/7, Giám đốc điều hành Barclays, Bob Diamond của Barclays đã phải từ chức và thông báo trước một ủy ban quốc hội rằng một số cựu nhân viên của ngân hàng có thể cũng vướng vào vòng lao lý. Trước đó, Chủ tịch, Marcus Agius là quan chức cấp cao đầu tiên của Barclays phải ra đi sau vụ bê bối này.


Cùng ngày 25/7, trong khi thông báo về các chế tài hình sự đối với hành động thao túng lãi suất, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề pháp lý, Michel Barnier thông báo ông đang cân nhắc các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các chỉ số tài chính. Ông cũng tỏ ý nghi ngờ về cách tính toán những chỉ số này hiện nay. Ngân hàng liên bang châu Âu, cơ quan giám sát lãi suất Euribor, khẳng định họ ủng hộ việc giám sát công khai các chỉ số nói trên càng sớm càng tốt.


Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề tư pháp, Viviane Reding tuyên bố những biện pháp này chỉ là bước đi đầu tiên nhằm đối phó với hành vi sai trái của các ông chủ ngân hàng, mà bà so sánh như là “những kẻ môi giới đồi bại trong sòng bài sử dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để đánh bạc”.

 


Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN