Đức khởi động chiến dịch bảo vệ sự thống nhất EU

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khởi động chiến dịch mang tên "Tôi muốn châu Âu" vào ngày 23/8 nhằm thuyết phục người dân Đức về những lợi ích của sự thống nhất châu Âu trong bối cảnh tình trạng hoài nghi về đồng Euro đang gia tăng ở nền kinh tế hàng đầu lục địa này.


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc gặp ngày 23/8 tại Berlin (Đức). Ảnh: AFP/ TTXVN


Bà  Merkel đã khởi động chiến dịch trên thông qua thông điệp ca ngợi những ưu điểm của sự hợp tác châu Âu, khẳng định điều này sẽ mang lại "hòa bình, thịnh vượng và sự cảm thông với các nước láng giềng".

Theo bà  Merkel, người dân đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng đã tích tụ trong nhiều năm qua và sẽ phải mất thời gian dài mới có thể vượt qua. Mặc dù sẽ rất khó khăn, song bà  Merkel tin chắc rằng cuối cùng, người dân sẽ có một Khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone và Liên minh châu Âu (EU) bền vững.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Eurozone, ngày 23/8, lãnh đạo Đức và Pháp kêu gọi Hy Lạp giữ đúng cam kết thực hiện cải cách nhằm duy trì sự tồn tại của nước này trong Eurozone.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Francois Hollande đang ở thăm Đức, bà  Merkel khẳng định điều quan trọng là tất cả các nước thành viên nhận thức và thực hiện trách nhiệm chung. Cả hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức đều bày tỏ mong muốn Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone và khuyến khích nước này tiếp tục tiến trình cải cách nhằm đạt được mục tiêu đổi lấy cứu trợ từ các định chế tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, bà  Merkel tái khẳng định những quyết định liên quan đến Hy Lạp sẽ chưa được đưa ra cho đến khi nhóm bộ ba chủ nợ gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo về hoạt động tài chính của nước này vào tháng 9.

Dự kiến, các chuyên gia của nhóm bộ ba chủ nợ sẽ trở lại Aten và đánh giá nỗ lực của nước này trong việc thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và cải cách kinh tế, nhằm nhận được đợt giải ngân tiếp theo trị giá 31,5 tỷ Euro. Trong khi đó, Hy Lạp cam kết sẽ cắt giảm thêm 11,5 tỷ Euro chi tiêu công trong vòng 2 năm tới.


TTXVN/ Tin Tức
Đức có dấu hiệu 'nhiễm' khủng hoảng nợ Eurozone
Đức có dấu hiệu 'nhiễm' khủng hoảng nợ Eurozone

Một loạt số liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy, ngay cả Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu- cũng không kháng cự lại nổi "cơn sốt" khủng hoảng nợ và có thể rơi vào suy thoái cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN