Đồng bằng sông Cửu Long mùa lũ về - Bài 2: Sinh kế cho dân nghèo trên cụm, tuyến vượt lũ

Hơn 10 năm xây dựng, phát triển, các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa lũ về. Tuy nhiên đến nay, đời sống của người dân trong cụm tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Không có đất sản xuất


Có mặt tại cụm dân cư vượt lũ tại ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những căn nhà nhỏ được xây dựng san sát cập hai bên đường nội bộ đã được bê tông hóa khô ráo, thuận tiện đi lại. Hệ thống điện, trường học, trạm cấp nước sạch đã hoàn thiện để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của nhân dân nơi đây.

 

Anh Bùi Quang Trực, Trưởng ấp Phước Khánh chỉ tay vào ngôi nhà bỏ hoang trong cụm dân cư vượt lũ xã Phước Hưng.


Tuy nhiên, chị Huỳnh Thị Nhu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã lại trăn trở: “Cơ sở hạ tầng trong cụm đã được đầu tư rất tốt và cụm đã có tới 120 nhân khẩu, coi như đã lấp đầy 100% nền nhà. Nhưng đa số họ đều là người nghèo không có đất sản xuất. Chính vì vậy, thực tế chỉ có 80 hộ sống tại đây . Những hộ còn lại đã bỏ nhà lên Sài Gòn, Bình Dương kiếm sống”.


Bên trong cụm dân cư này, có một phần diện tích rộng hơn 200 m2 được quy hoạch làm chợ phục vụ đời sống dân cư. Tuy nhiên, sau 10 năm, đến nay khu chợ này vẫn chỉ là bãi đất trống. Chị Lê Thị Bạn, người dân nơi đây cho biết: “Tôi là một trong những cư dân đầu tiên vào cụm cách đây 10 năm. Vào đây thì chúng tôi được an toàn trong mùa lũ, nhưng cư dân trong cụm chỉ là những người nghèo sống với nhau thì sao lập chợ buôn bán được”.


Điều mà chị Bạn vừa nói đã đặt ra nhiều điều phải suy nghĩ. Bởi nơi đây là cụm tuyến dân cư nằm giáp biên giới. Vào mùa lũ, đường giao thông bộ gần như bị chia cắt, mùa khô thì việc đi lại cũng vô cùng khó khăn, do hệ thống giao thông cũng chưa phát triển. Có thể nói, cuộc sống của họ gần như tách biệt với cộng đồng dân cư ở các khu trung tâm.


Tương tự, tại ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang, anh Bùi Quang Trực, Trưởng ấp cho biết, cụm dân cư hình thành vào năm 2005 và lấp đầy từ năm 2007, có 196 hộ nhưng hiện chỉ có gần 130 hộ sinh sống. Số còn lại đã đóng cửa đi nơi khác làm ăn. Vì hầu hết người dân nơi đây đều nằm trong diện nghèo, cận nghèo, họ không có đất sản xuất.


Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, tính đến nay, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 1 đã thực hiện 204 cụm, tuyến; đã xét duyệt được hơn 36.000 hộ (chiếm tỷ lệ trên 99%), trong đó số hộ đã vào ở khoảng hơn 34.000 hộ (chiếm tỷ lệ 94%). Tuy nhiên có hơn 1.900 hộ được xét duyệt nhưng không xây nhà ở, 247 hộ đã xây nhà nhưng không vào ở. Trong 6 cụm, tuyến được bổ sung thêm cho giai đoạn 1 có hơn 1.900 hộ vào ở, chiếm 78%. Giai đoạn 2 có 46 cụm, tuyến và chỉ bố trí vào ở trên 6.000 hộ, đạt gần 44% trên tổng số nền.

Nâng cao đời sống người dân


Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Nguyên nhân khiến các cụm tuyến dân cư này chưa được lấp đầy là do công tác xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm hơn so với yêu cầu. Trước đây, trong giai đoạn đầu triển khai, một số cụm, tuyến được bố trí chưa hợp lý”.


Từ thực tế này, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã rút kinh nghiệm để bố trí cụm tuyến dân cư vượt lũ hợp lý hơn vừa đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kiếm kế mưu sinh. Theo đó, các cụm dân cư khi được xây dựng sẽ gắn kết với các trung tâm xã, các khu công nghiệp, tuyến dân cư nằm trên các trục giao thông chính.


Theo ông Hoàng, khó khăn lớn nhất hiện này là nguồn kinh phí xây dựng, duy tu cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các cụm, tuyến còn hạn hẹp nên rất cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu phát triển tốt cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các cụm, tuyến và công tác đào tạo nghề nông thôn phù hợp với thực tế sẽ giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân.


Cùng quan điểm trên, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho rằng: “Từ đầu năm 2013, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương dạy nghề cho người dân không có đất sản xuất. Vấn đề là ngành nông nghiệp từng tỉnh phải dạy đúng nhu cầu, phù hợp với điều kiện thực tế thì mới phát huy hiệu quả. Đối với dạy nghề phi nông nghiệp, phải ưu tiên gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đóng trên địa bàn”.


Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Huyện đã tổ chức cho các lao động trẻ trong cụm, tuyến học nghề may, đan ghế nhựa để vào làm trong cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn giới thiệu lao động ở độ tuổi trung niên vào làm tại các xí nghiệp thủy sản trong tỉnh Đồng Tháp. Đối với hộ không có đất, huyện đã cử cán bộ chăn nuôi tới để hướng dẫn các hộ nông dân nuôi lươn, cua, cá phù hợp với tình hình thực tế của vùng lũ dần ổn định cuộc sống”.


Hy vọng với những nổ lực mà các tỉnh ĐBSCL đã và đang thực hiện, bộ mặt các cụm, tuyến dân cư vượt lũ sẽ thay đổi và cuộc sống của người dân sẽ khấm khá hơn.


Bài và ảnh: Anh Đức

Bài 3: Mưu sinh mùa nước lũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN