Đổi thay ở vùng Khmer Nam bộ

Thiếu đất, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém và không có khoa học kỹ thuật, lại bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai (chủ yếu là lũ lụt do không có các công trình thủy lợi bao bọc) nên đời sống của đồng bào Khmer Tây Nam bộ rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Từ gánh hàng mưu sinh…

Xã Mỹ Khánh (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) có 30 hộ đồng bào Khmer nghèo sinh sống xen kẽ với các hộ người Kinh, Hoa trong những hẻm nhỏ. 30 hộ dân có “hộ khẩu thành phố” này duy nhất chỉ có hộ ông Danh Chung (ấp Mỹ Long) có 400 m2 đất sản xuất, còn lại đều mưu sinh bằng buôn thúng bán mẹt hoặc đi làm thuê làm mướn.


 

Hỗ trợ phát triển sản xuất tạo nền hình thành những “cánh đồng triệu phú” ở Cầu Kè (Trà Cú).

 

Một cán bộ xã Mỹ Khánh cho biết: Tất cả những hộ Khmer trong xã đều đã được bố trí đất ở và hỗ trợ làm nhà kiên cố. Còn với đất sản xuất thì địa phương không thực hiện được do quỹ đất không còn. Tuy nhiên điều đáng mừng là xã hiện không còn hộ đói, và đang tập trung hỗ trợ người dân thoát nghèo. Là “xã điểm” xây dựng nông thôn mới của Cần Thơ, đến nay Mỹ Khánh đã gần đạt tiêu chí về hộ nghèo (hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã xấp xỉ 8%, còn cao hơn chuẩn 1%).


Do quỹ đất hạn chế nên trong quá trình thực hiện Quyết định 74 của Chính phủ, xã Mỹ Khánh đã ưu tiên hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người dân. Chị Danh Thị Nhạn (ấp Mỹ Ái) cho biết: “Năm 2006, được Nhà nước hỗ trợ đất ở, lại cho vay vốn ưu đãi làm nhà. Tui vui nhiều mà lo cũng nhiều vì tiền vay sẽ phải trả. Trong khi tui không có nghề gì, thu nhập từ làm thuê không ổn định. Thật may là vừa rồi tui vay được 6 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách (vốn vay chuyển đổi nghề theo Quyết đinh 74-PV) để làm ăn. Số tiền vay đó tui đã đầu tư mua chiếc xe kính để hàng ngày đi bán bánh mì, ngoài ra còn nuôi thêm 3 con heo. Nếu chịu khó thì xe mì cũng đủ nuôi sống gia đình, còn heo xem như ống tiết kiệm, tích lại để trả nợ ngân hàng”.


Chị Nhạn vui vẻ nói thêm: “Mà đường từ nhà ra phố đã được trải bê tông nên đẩy xe rất thuận tiện. Chứ như mấy năm trước đường đất, mưa cái là bùn nhão thì mỗi lần đẩy xe ra được phố cũng hết giờ người ta ăn sáng rồi. Còn bán buôn gì nữa”.


Những hẻm nhỏ ngoằn nghèo như lối vào mê cung ở xã Mỹ Khánh hiện đã được bê tông hóa hoàn toàn. Trong 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), Mỹ Khánh đã được phân bổ gần 1,4 tỷ đồng để xây dựng công trình thiết yếu, lộ giao thông, kênh thủy lợi. Giao thông đi lại thuận lợi đã tạo điều kiện trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Dù các chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai trong những thời điểm khác nhau, từ những nguồn vốn khác nhau… nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

...đến những cánh đồng triệu phú!


Chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất không chỉ tác động đến những số phận con người cụ thể, mà hiệu quả rõ nét nhất là sự đổi thay ngỡ ngàng của những vùng quê vốn trước đây nghèo khó. Ở Tây Nam bộ hiện nay không hiếm những vùng đồng bào Khmer vươn lên khá giàu sau khi có sự hỗ trợ kịp thời.


 

Những hộ đồng bào Khmer nghèo, hộ khẩu thành phố không có đất sản xuất rất cần hỗ trợ các phương tiện mưu sinh hàng ngày.

 

Vượt qua những giồng đất cao thấp, tôi về ấp Cầu Tre, xã Phú Cần (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Trước đây, Cầu Tre là vùng đất khó. Do triền đất cao, sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời nên hàng năm chỉ gieo được 1 vụ lúa vào mùa mưa với năng suất bấp bênh. Đời sống người dân vì vậy rất khó khăn. Cả ấp có 473 hộ, trong đó 98% hộ đồng bào Khmer, thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần một nửa. Nhưng hiện nay Cầu Tre đã trở thành “vùng đất giàu có” của huyện Trà Cú với những cánh đồng cho năng suất trên 9 tấn/ha. Năm 2006, toàn ấp có 136 hộ nghèo, nay chỉ còn trên 20 hộ. Đặc biệt có 3 hộ nghèo trước đây nay đã trở nên khá giả.


Ông Thạch Kiên - Trưởng ấp Cầu Kè, cho biết: “Cầu Kè thực sự “lột xác” từ năm 2007 khi hệ thống kênh bê tông nổi được đưa vào sử dụng. Nguồn nước tưới tiêu được đáp ứng nên chúng tôi đã trồng lúa 3 vụ”. Hệ thống kênh nổi ở Cầu Kè được đầu tư xây dựng từ Chương trình 135 với tổng vốn trên 8 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả “đắc địa” trên mảnh đất quanh năm thiếu nước. Cùng với việc đầu tư hạ tầng thủy lợi, tỉnh Trà Vinh cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao giống lúa mới cho nông dân Cầu Kè để tăng năng suất lúa trên cùng diện tích cây trồng. Trước năm 2007, năng suất lúa bình quân ở đây chỉ đạt 3-4 tấn/ha, nay bình quân đạt 8 tấn/ha, có hộ còn đạt 9,5 tấn/ha. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, một số hộ liên tiếp trúng mùa nên vươn lên khá-giàu, mua sắm được nhiều phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.


Nông dân Trần Na Kha Ry - hộ Khmer thoát nghèo từ cây lúa, cho biết: “Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống kênh tưới, lại được chính quyền địa phương hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống lúa mới nên vài năm gần đây gia đình tui đã thoát nghèo”. Cũng trên diện tích gần 4,5 ha của gia đình, mấy năm trước ông vay vốn ngân hàng trồng lúa nhưng thất bại. Do nợ quá hạn, ông định bán để trả nợ và chuyển nghề. Nhưng hiện nay, nhờ năng suất cả 3 vụ lúa luôn ổn định trên 9 tấn/ha nên trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 130 triệu đồng/năm, không những trả hết nợ ngân hàng mà còn mua sắm được máy móc, nông cụ. Ông tâm sự: “Người nông dân thì chỉ trông vào cây lúa. Hiện nay trong vùng vẫn còn thiếu phương tiện máy móc sản xuất hiện đại, mà người dân ít vốn quá”.


Những năm qua, khoảng trên 1.000 hộ Khmer nghèo của huyện Trà Cú đã được đầu tư hỗ trợ cây giống, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Riêng Chương trình 135 (cả 2 giai đoạn) Trà Cú đã được hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Trà Cú còn triển khai nhiều chương trình, quyết định khác với mục tiêu an sinh như: Chương trình 167 hỗ trợ nhà ở cho 5.639 hộ với tổng kinh phí hơn 47 tỷ đồng; Quyết định 74/2007 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và giải quyết việc làm cho 3.573 hộ với kinh phí trên 43 tỷ đồng…


Đó chính là những động lực mạnh mẽ thay đổi những vùng đất khó ở Tây Nam bộ thành “đất vàng”, biến những người nông dân Khmer nghèo thành “triệu phú”.


Bài và ảnh: Nguyễn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN