Điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng

Với đề tài nghiên cứu: “Đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt dựa vào cộng đồng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng mô hình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” của các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ, không những bệnh nhân được quản lý, điều trị ngoại trú tại cộng cộng, góp phần quan trọng để người bệnh hòa nhập cộng đồng, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Đề tài triển khai tại xã Tiên Kiên từ năm 2010. Theo đó, các bác sỹ tiến hành khám, sàng lọc toàn bộ dân số của xã Tiên Kiên gồm 7.257 người. Sau khi khám sàng lọc đã phát hiện 20 bệnh nhân tâm thần phân liệt được đưa vào quản lý, điều trị trực tiếp tại cộng đồng.

Khám sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần. Ảnh minh họa (Anh Tuấn - TTXVN).


Trong vòng 6 tháng, các bác sỹ chuyên khoa tâm thần sẽ đến từng nhà người bệnh để khám bệnh và thu thập các thông tin phục vụ mục đích nghiên cứu. Bên cạnh đó, các khâu cấp phát thuốc được thực hiện nghiêm ngặt, kết hợp với theo dõi, quản lý và tăng cường sự trao đổi với gia đình người bệnh giúp các y, bác sĩ nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý, đồng thời có hướng điều trị kịp thời.

Bác sỹ Đỗ Huy Hùng chủ nhiệm đề tài cho biết: Sau 6 tháng triển khai, số bệnh nhân sau khi điều trị tại nhà và được sự can thiệp của mô hình đã thuyên giảm lâm sàng rõ nét; tỷ lệ người bệnh có thời gian ổn định bệnh trên 3 tháng tăng từ 10% - 100%; tỷ lệ người bệnh có khả năng sống độc lập tăng từ 0% - 35%; tỷ lệ người bệnh bỏ nhà đi lang thang giảm từ 20% xuống còn 0%.

Đặc biệt, chi phí quản lí điều trị tại cộng đồng bình quân là 104.000 đồng/người bệnh/tháng, thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị nội trú trong bệnh viện (3.000.000 đồng/người bệnh/tháng). Hiệu quả kinh tế sẽ còn lớn hơn nữa nếu tính đến việc người bệnh điều trị tại cộng đồng nhiều trường hợp có thể lao động sản xuất làm ra của cải vật chất.

Bác sỹ Hùng cho biết thêm: Sau thành công của đề tài, đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã áp dụng mô hình chăm sóc, quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Như vậy từ lúc áp dụng mô hình, người bệnh dùng thuốc điều trị đúng hướng dẫn, duy trì thuốc đều, liều thuốc hợp lí, nhận thức của gia đình cao hơn, từ đó sự hỗ trợ giúp đỡ cho người bệnh tốt hơn.

Các rối loạn tâm thần và hành vi là những vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi phải phát hiện bệnh sớm và điều trị. Đây là loại bệnh đặc thù, vì vậy không chỉ điều trị bằng thuốc, các bác sỹ phải áp dụng cả những liệu pháp tâm lí đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Sự quan tâm, sẻ chia của gia đình và xã hội là liều thuốc tốt nhất giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng, bác sỹ Hùng nhấn mạnh.


Vũ Bắc
Yêu thương bệnh nhân tâm thần như người thân
Yêu thương bệnh nhân tâm thần như người thân

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện nam (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) Lê Thị Tố Uyên, chia sẻ: “Nếu chọn, sẽ không có ai chọn ngành tâm thần cả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN