Diễn đàn “Đổi mới giáo dục - Những việc cần làm ngay” - Tăng quyền tự chủ

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD - ĐT: Cơ sở giáo dục phải giải trình

Giờ học Tiếng Anh có sử dụng tương tác với Bảng thông minh ở trường Tiểu học Trần Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

 

Việc đổi mới quản lý giáo dục thời gian qua vẫn mang nặng tính bảo thủ, thiếu sự định hướng và đặc biệt là rất chắp vá. Những điểm yếu đó đã dẫn tới sự luẩn quẩn trong đổi mới và vì vậy cần phải thay thế bằng đổi mới căn bản và toàn diện, với một mô hình phát triển mới, mang tính tổng thể và có tầm nhìn dài hạn.


Trước hết cần chuẩn hóa về công cụ pháp lý, tức là đảm bảo có hệ thống văn bản pháp luật đủ cụ thể, tường minh và có hiệu lực trong việc thực hiện chức năng giám sát của Nhà nước và quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Tiếp nữa là chuẩn hóa cán bộ quản lý, bao gồm những người quản lý cấp trường và những người quản lý hoạch định chính sách.


Ngày nay, thể chế hiện đại đòi hỏi cơ chế trao quyền và giám sát phải đi liền với cơ chế trách nhiệm giải trình. Theo đó, cơ quan quản lý phải giải trình công khai trước xã hội và trước cơ quan giám sát Nhà nước về việc thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình. Vì vậy, các cơ sở giáo dục phải giải trình trước cơ quan quản lý và trước xã hội về việc thực hiện quyền tự chủ của mình. Tuy nhiên, cơ chế này của nước ta vẫn còn hình thức, thiếu phương pháp luận khoa học và thiếu tin cậy. Vì vậy, thời gian tới cần áp dụng mạnh mẽ ICT để xây dựng hệ thống thông tin quản lý giáo dục; thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục thông qua hệ thống chỉ tiêu và chỉ số mới có thể đo lường, kiểm tra và đánh giá được.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội): Chủ động về chương trình dạy

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với rất nhiều điểm mới, chúng tôi đang rất mong chờ. Tuy nhiên, để đổi mới một cách căn bản, toàn diện thì cần phải đổi mới từng phần và từng bộ phận.


Trong đề án đổi mới lần này, có việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường. Tuy nhiên theo tôi, không chỉ giao cho các trường tự chủ về tài chính mà nên giao cho các trường tự chủ cả về chương trình dạy và học. Bởi thực tế, ở mỗi vùng miền như đồng bằng, miền núi, hải đảo, thành phố và nông thôn... sẽ có sự khác nhau cả về nhận thức của học sinh cũng như năng lực của giáo viên. Vì vậy mà Bộ GD - ĐT nên có một quy chuẩn về kiến thức cơ bản cần dạy cho học sinh, nhưng để các trường có thể tự chủ về chương trình dạy ra sao. Ví dụ như các trường tư có điều kiện dạy 2 buổi thì chương trình dạy cũng sẽ khác với những trường chỉ có điều kiện dạy cho học sinh một buổi mà thôi. Các trường sẽ tự chủ về thời gian, chương trình dạy, miễn là đảm bảo thực hiện khung chương trình chuẩn kiến thức mà Bộ đưa ra nhưng đánh giá cuối cùng vẫn là kết quả của học sinh, các em phát huy năng lực ra sao. Như vậy sẽ giúp các trường phát huy năng lực và tính tự chủ tốt hơn.

 

TS Hoàng Thị Xuân Hoa, ĐH Quốc gia Hà Nội: Quyền tự chủ cần đồng bộ

Quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần được giao đồng bộ. Các vấn đề tự chủ gồm: Tuyển sinh, quản lý sinh viên, các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục (phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nội dung chương trình và giáo trình học liệu)... Rồi tự chủ trong các chuẩn mực học thuật, như các tiêu chuẩn của văn bằng, các vấn đề liên quan đến kiểm tra và kiểm định chất lượng; tự chủ trong nghiên cứu và xuất bản, giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học, các ưu tiên trong nghiên cứu và quyền tự do xuất bản. Ngoài ra là tự chủ trong quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường. Các khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau, nên nếu không có được quyền tự chủ trong mặt này thì quyền tự chủ ở các mặt khác không thể phát huy đầy đủ được. Ví dụ như khi được giao tự chủ về tài chính thì cần được giao quyền chủ động trong tuyển sinh, xây dựng mức thu học phí và các khoản thu...


Các quy định pháp lý về quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần được thống nhất, nhất quán và cùng được cập nhật ở các văn bản quản lý khác nhau. Tránh tình trạng tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ đồng thời vẫn “trói buộc” bởi cơ chế.


Lê Vân - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN