Dịch bệnh gia tăng tại TP Hồ Chí Minh

Tình hình dịch bệnh tại thành phố đang hết sức căng thẳng. Nhận định này được Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh đưa ra trong bối cảnh dịch sởi đang diễn biến khá phức tạp và hàng loạt các loại dịch bệnh khác đang bùng phát.


Dịch chồng dịch


Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tháng 3 và tháng 4 các loại dịch bệnh do virút liên tục tăng như: Sởi, thủy đậu, cúm, sốt xuất huyết… chưa kể bệnh tay chân miệng đang vào mùa. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 2.944 ca tay chân miệng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái; thủy đậu 509 ca, tăng 24% so với cùng kỳ; cúm 258 ca, tăng 17%; sốt xuất huyết 2.607 ca tăng 27,7% tử vong 3 ca; sởi 1.301 ca…

 

Trong khi dịch sởi đang diễn biến khá phức tạp thì hàng loạt các dịch bệnh khác cũng bùng phát.


Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bệnh tay chân miệng đang bước vào đỉnh dịch, nên số ca mắc tăng nhanh. Chỉ trong tháng 4 đã có 708 trường hợp phải nhập viện điều trị, chưa kể số lượt bệnh nhi nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ được điều trị ngoại trú. Trong tháng 4, tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn đều có số ca bệnh tay chân miệng tăng so với tháng trước”.

Thống kê từ đầu năm 2014 đến nay của Cục Y tế dự phòng cho thấy cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng ở hầu hết các tỉnh. Riêng các tỉnh phía Nam có 14.254 trường hợp mắc bệnh, chiếm 83,5% tổng số ca mắc trên cả nước. Đặc biệt, trong đó đã có 2 trường hợp mắc tay chân miệng tử vong do virút EV 71 tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.


Theo ghi nhận của phóng viên tại 2 bệnh viện nhi lớn của thành phố, trong tuần qua số lượt bệnh nhi đến khám rất đông. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt trẻ tới khám, trong đó chủ yếu trẻ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng và các bệnh do virút. Theo phòng Kế hoạch tổng hợp từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị cho gần 430 trẻ bị nhiễm tay chân miệng, tăng 145 ca so với tháng trước. Tại khoa Nhiễm cũng đang điều trị cho gần 50 trẻ. Kế đến là sốt siêu vi với 1.800 ca/tuần; thủy đậu 300 ca/tuần, sốt phát ban 200 ca/tuần. Riêng bệnh sởi vẫn đang diễn biến khá phức tạp, số trẻ nhập viện do sởi vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm xuống.


Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong những ngày qua số ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị cũng tăng dần. Bệnh viện đang điều trị cho 50 ca mắc bệnh, trong đó có một trường hợp bị biến chứng nặng gây tổn thương thùy não. Trung bình mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận thêm từ 5 - 10 ca mới.


Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Bên cạnh bệnh tay chân miệng thì trẻ nhập viện do viêm màng não cũng đang gia tăng. Thông thường ở khoa chỉ có khoảng 5 -7 trẻ phải điều trị nội trú, nhưng hiện nay đang có đến 30 trẻ.


Tăng cường kiểm tra, giám sát


Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống bệnh tay chân miệng ở những địa phương có số mắc tăng cao như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau và Kon Tum.


Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Sở Y tế thành phố sẽ trực tiếp làm việc với các quận, huyện có số ca bệnh cao như: Thủ Đức, quận 8, Bình Tân, Bình Chánh... để đưa ra các biện pháp cụ thể trên từng địa bàn dân cư, nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tránh tình trạng triển khai phòng chống dịch dàn trải nhưng hiệu quả không cao.


Trong tháng 5, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền đưa trẻ đi tiêm vắcxin sởi, tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng và các bệnh lây qua đường tiếp xúc như: Thủy đậu, cúm; kiểm tra giám sát các ổ dịch trong trường học và cộng đồng... Sở Y tế thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch và tiêm ngừa.


Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng cho biết: Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, kiểm tra giám sát dịch bệnh ở các khu phố, phường, xã, các khu nhà trọ. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền vệ sinh khử khuẩn trường học, vận động trẻ đi tiêm ngừa vắcxin sởi, không để phát tán ổ dịch trong trường học.


Đan Phương

Phòng dịch bệnh nguy hiểm mùa hè
Phòng dịch bệnh nguy hiểm mùa hè

Theo nhận định của Bộ Y tế, ngoài dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp, còn một số bệnh dịch nguy hiểm và bệnh mới nổi khác rất có thể sẽ bùng phát trong thời gian tới như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN