Đi chợ Trung Quốc (Tiếp theo và hết)

Cuộc chiến với thương mại điện tử


Câu nói “Không có người trên phố không có nghĩa không có người dạo phố” đã trở thành câu khái quát sinh động nhất về ngành thương mại điện tử. Sự xuất hiện của mô hình thương mại mới, tất nhiên sẽ tạo thành xung đột với mô hình cũ, mang đến sự đổi mới và đột phá của cả ngành này. Liệu thương mại điện tử có phải là tương lai của ngành bán lẻ hay không? Thương mại điện tử có hoàn toàn thay thế các cửa hàng thực thể (không phải ảo) hay không?

Người mua tấp nập tại một siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh.

Trước khi cuộc tranh luận về vấn đề trên đi đến ngã ngũ, không ít siêu thị ở Trung Quốc cũng bắt đầu thử kết hợp với mạng, hy vọng có thể dựa vào số lượng lớn, thông qua phương thức thanh toán qua điện thoại di động, cung cấp hàng tận nơi để hoàn thiện chuỗi tiêu thụ của mình. Từ đó tăng cường năng lực kinh doanh, tiếp tục tồn tại trong cuộc cạnh tranh trên thương trường ngày càng khốc liệt.


Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc cho thấy năm 2012, quy mô giao dịch chợ bán lẻ trên mạng ở Trung Quốc chiếm 6,3% tổng giá trị bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội. Con số này của năm 2011 chỉ là 4,4%. Theo dự báo của các bên, tỷ lệ này của năm 2013 sẽ đạt 7,4% và đến cuối “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, tổng mức bán lẻ trên mạng sẽ vượt 9% tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội. Trên thực tế, số doanh nghiệp bán lẻ thực thể vẫn chiếm hơn 90% thị phần.


Các ông chủ của những siêu thị, chuỗi cửa hàng như Carrefour, Walmart, Vanguard... ở Trung Quốc đều thừa nhận cải tiến hoạt động kinh doanh và hoàn thiện cơ cấu chuỗi ngành nghề sẽ trở thành nhiệm vụ chính của giới kinh doanh siêu thị trong năm nay. Họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “chất lượng”, bởi có bao nhiêu cửa hàng mới mở thêm chỉ là một sự tham khảo về số liệu mở rộng, chứ không thể trở thành một chỉ tiêu cứng. Cái họ cần phải chú ý nhiều hơn là việc nâng cao năng lực để có thể tiếp tục kinh doanh và biết tự điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong vài năm tới. Đó chính là sự cạnh tranh cốt lõi đối với ngành siêu thị hiện nay.


Năm 2013, Walmart Trung Quốc đã mở khoảng 30 cửa hàng ở Trung Quốc và số cửa hàng phải đóng cửa trong năm ngoái cũng lên tới hơn 10 cửa hàng. Năm 2014, Walmart có kế hoạch tiến hành cải tạo 55 cửa hàng hiện có, thông qua các hình thức như tăng diện tích bán hàng, cải thiện điều kiện giao thông, đỗ xe, tăng cường các thiết bị bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng để nâng cao hoạt động kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng, với mục đích thực hiện tăng trưởng có chất lượng. Walmart Trung Quốc cũng cho biết sẽ tiến hành đánh giá thị trường nghiêm túc và căn cứ vào đánh giá này để đóng cửa một số cửa hàng không đạt được kỳ vọng.


Và cũng để đối phó với “cơn lốc” thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở Trung Quốc đã lựa chọn cách tái cơ cấu và sáp nhập. Từ đầu năm 2013, các doanh nghiệp như Vương Phủ Tỉnh, Đại Thương Cổ phần, Hàng Châu Giải Bách... liên tục tái cơ cấu. Tháng 6 năm ngoái, Vương Phủ Tỉnh đã hoàn thành việc thu mua 40% quyền cổ phần của Xuân Thiên Bách Hòa, trở thành cổ đông nắm cổ phần chi phối. Sau thương vụ này, số cửa hàng mà Vương Phủ Tỉnh Bách Hòa kiểm soát lên tới 49, trở thành doanh nghiệp có số lượng cửa hàng lớn thứ ba ở Trung Quốc sau Vạn Đạt Bách Hòa, Bách Thịnh. Năm 2013, làn sóng thu mua, tái cơ cấu đã trở thành một phương thức để làm lớn mạnh doanh nghiệp thương mại, là cách thức để các cửa hàng thực thể “đấu” với thương mại điện tử.


Hải Yến (Phân xã Bắc Kinh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN