Dễ “sập bẫy” thực phẩm bẩn

Các cơ quan chức năng luôn đưa ra khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái”. Tuy nhiên, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường như hiện nay, người tiêu dùng dù thông thái đến mấy cũng khó tránh sập “bẫy” thực phẩm bẩn.


Tự cứu lấy mình


Thật đáng lo khi thực phẩm bẩn nhiễm hóa chất độc hại bị phát giác thời gian gần đây lại chính là những thứ thiết yếu được sử dụng trong đời sống hàng ngày như giá đỗ, bún, gạo… Sau khi những vụ việc thực phẩm bẩn bị phát hiện, đa phần người tiêu dùng đã có ý thức “tự cứu lấy mình” bằng cách cảnh giác hơn khi đi chọn mua thực phẩm.


Người tiêu dùng rất hoang mang mỗi khi mua thực phẩm, kể cả là hàng tươi sống hay đồ khô.


Để chọn mua các loại thịt lợn và thịt bò, chị Vũ (Lê Duẩn, Hà Nội) thường chọn mua tại các siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chị Vũ, giá thịt ngoài chợ không rẻ hơn trong siêu thị là bao nhiêu. Hiện nay, các siêu thị còn có chương trình hàng bình ổn giá nên giá các loại thịt lợn (trừ sườn non) thường không đến 90.000 đồng/kg. Với gà công nghiệp, chị Vũ cũng vào siêu thị mua để đảm bảo hàng rõ nguồn gốc. Riêng với gà thả vườn, chị thường mua ở các lồng gà trong chợ hay những cửa hàng chuyên kinh doanh gà có uy tín.


Còn với chị Nguyễn Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi tin tưởng đồ ăn mua ở siêu thị, nhưng vừa qua, thức ăn lấy mẫu ở siêu thị cũng chứa chất cấm nên những người nội trợ như chúng tôi chẳng biết mua ở đâu nữa”. Chị Hiền chia sẻ một số kinh nghiệm khi chọn mua đồ, do các bà nội trợ truyền tai nhau như: Không mua những loại củ quả đã gọt vỏ và ngâm nước ở chợ vì nước ngâm không đảm bảo vệ sinh, có thể đã bị người bán hòa một số hóa chất làm cho thực phẩm tươi mát đẹp mắt; không mua giá đỗ có thân mập, rễ mầm ngắn, không có rễ phụ, thân trắng mọng nước mà chọn giá có thân nhỏ, rễ mầm dài, có nhiều rễ phụ để tránh mua phải giá đã ngâm hóa chất.


Bà Tôn Minh Hương (Thanh Trì, Hà Nội) cùng chung tâm trạng lo lắng như nhiều bà nội trợ khác trước thông tin bún chứa chất độc tinopal, bởi bún là món khoái khẩu của bà. Bà Hương cho hay: “Tôi chỉ biết trông cậy vào hàng bún quen ở làng Tứ Kì, nơi làm bún truyền thống từ xưa đến nay. Bún không hóa chất phải có mùi chua, bún trắng đục chứ không trắng tinh hay có màu óng. Người bán bún cũng khẳng định, bún của nhà làm vừa ăn vừa bán nên không bao giờ cho hóa chất”. Có lẽ, trong khi chờ đợi các cơ quan quản lí thị trường “ra tay” thì người tiêu dùng chỉ còn biết trông cậy vào những kinh nghiệm như vậy.


Trăm người mua thua người bán


Mặc dù đã nỗ lực “tự cứu lấy mình” nhưng theo nhiều người tiêu dùng, không dễ phát hiện hóa chất thực phẩm bởi người bán luôn có nhiều cách để “thắng” người mua. Khảo sát của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, không khó để mua những hóa chất, phụ gia thực phẩm độc hại.


Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), có thể dễ mua hàn the (có tác dụng làm bánh phở, bánh đúc trở nên dai, giòn) với giá bán 10.000 đồng/kg, còn ở chợ Đồng Xuân, giá hàn the là 15.000 đồng/kg. Theo một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Đông, việc mua bán các loại hàn the, chất nhuộm thực phẩm tại đây rất dễ dàng.


Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng với các mẫu bún ở Hà Nội, chưa phát hiện chất làm trắng quang học Tinopal. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại một gian hàng ở chợ Đồng Xuân, một tiểu thương cho biết có bán chất làm trắng bún với giá 60.000 đồng/kg, tuy nhiên, chỉ bán cho người quen. Theo tìm hiểu của phóng viên, một kinh nghiệm khi đi mua các loại hóa chất này là phải gọi được đúng tên “truyền tai” của loại hóa chất đó, nếu không, tiểu thương sẽ nói không có.


Trên thị trường, hiện giới kinh doanh thực phẩm còn truyền tai nhau về một loại phụ gia có khả năng bảo quản thịt tươi lâu cả tuần và thậm chí biến thịt ôi thành thịt tươi có tên dân dã là săm-pết. Tại quầy hàng khô ngay cổng chợ Ngọc Hà, bột săm-pết được lấy ra cân từ chiếc túi bóng màu trắng, bên ngoài người bán ghi chú bằng bút màu chữ “săm-pết” mà không hề có nhãn mác chỉ dẫn thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng cũng như cơ sở sản xuất. Theo hướng dẫn của người bán hàng, chỉ cần pha vài thìa bột với một thùng nước, phết lên bề mặt ngoài của tảng thịt là không cần để vào tủ lạnh, thịt vẫn tươi, không biến màu, không có mùi.


Một tiểu thương tại chợ Ngô Sĩ Liên cho rằng, “trăm người mua vẫn thua một người bán”, người tiêu dùng dù thông minh mấy cũng không thể biết hết các “chiêu” của người bán. Tất nhiên, không phải tiểu thương nào cũng vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe khách hàng. Bà Đặng Thị Yến, tiểu thương ô 13S-1 tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: “Là người trực tiếp kinh doanh, lại được tập huấn các khóa học về an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi thấy việc sản xuất và kinh doanh các chất phụ gia không an toàn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi, vi phạm pháp luật”.


Hoàng Dương - Tuấn Anh

 

Bài 3: Khó xử lý thực phẩm nhiễm độc

Hoang mang vì thực phẩm 'ngập' hóa chất - Bài 1
Hoang mang vì thực phẩm 'ngập' hóa chất - Bài 1

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại bị phanh phui như gạo bẩn, bún bẩn, trà chanh bẩn, giá đỗ bẩn... đã khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang, không biết nên ăn uống gì để đảm bảo sức khỏe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN