ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cảnh báo là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Trong đó, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn và lũ lụt là những tác nhân chính gây hại đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ĐBSCL.


Ngày càng phức tạp


Theo các nhà nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân khiến tại ĐBSCL, tình trạng xâm mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, với độ mặn tăng cao. Đó là việc khai thác nước ngầm quá mức khiến đất sụt lún và xói lở gia tăng ở hai bờ sông do thiếu hụt phù sa bởi hệ thống hồ chứa thủy điện ở thượng lưu. Lượng nước thượng nguồn đổ về thấp. Kết hợp với BĐKH, nước biển dâng, tình trạng xâm mặn vào mùa khô tại vùng ĐBSCL trở nên càng tồi tệ.

 

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa rừng phòng hộ tại xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.


Có thể nói, BĐKH gây nước biển dâng cao hiện đang là mối đe dọa, thách thức lớn của vùng ĐBSCL, trong đó tỉnh Cà Mau là khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi là tỉnh duy nhất chịu tác động của hai chế độ thủy triều: Nhật triều và bán nhật triều từ vùng biển phía tây và phía đông với tổng đường bờ biển dài 254 km và hệ thống kênh rạch chằng chịt có chiều dài trên 8.000 km với 87 cửa sông thông ra biển. Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Mặc dù tỉnh rất quan tâm đầu tư vào hệ thống thủy lợi nhưng để hoàn thiện thì đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và vượt ngoài khả năng của tỉnh. Hiện nay, nhìn chung hệ thống thủy lợi của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ khép kín, đặc biệt là hệ thống đê biển, đê sông.


Do vậy công tác chống tràn, chống ngập hàng năm gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát, nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay thì trong thời gian tới có khoảng từ 60 - 90 ngàn ha đất sản xuất thuộc các huyện ven biển như: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi bị ngập”.


Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, hiện tượng nước dâng gây tràn ngập hệ thống đê sông và đê kênh mương các cấp rất trầm trọng. Theo quan trắc, khảo sát mực nước biển những năm qua cho thấy, đỉnh triều cường năm sau đều cao hơn năm trước, kèm theo đó là thiệt hại diện tích đất sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng tăng theo. Chẳng hạn nếu năm 2007 thiệt hại hơn 4.880 ha, năm 2008 thiệt hại hơn 14.790 ha, năm 2010 thiệt hại hơn 15.800 ha, thì năm 2011 với đỉnh triều đạt + 2,1 m tại cửa Gành Hào đã gây ra thiệt hại trên 19.600 ha.

Trong chuyến khảo sát các tuyến đê biển tại một số tỉnh vùng ĐBSCL vào đầu tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với BĐKH và cho rằng thực tế hiện nay diễn biến nhanh hơn dự báo. Điều này đòi hỏi toàn hệ thống chính trị và người dân phải có giải pháp đối phó kịp thời. Việc chậm trễ triển khai của một số dự án sẽ tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con ven biển.


Bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông, tuy cách rất xa tỉnh Cà Mau nhưng biển Tây của tỉnh luôn biến động kết hợp với sức gió cấp 7, 8. Điều này đã làm sạt lở nhiều dải rừng phòng hộ biển Tây. Chỉ từ năm 2007 trở lại đây, có đến 4.600m đất rừng phòng hộ bị sạt lở nghiêm trọng. “Qua khảo sát, tỉnh Cà Mau có khoảng 15 km chiều dài (từ cửa biển Hương Mai đến cửa biển Tiểu Dừa, huyện U Minh) với đai rừng chỉ còn từ 30 - 80 m. Nếu không có biện pháp khắc phục thì chỉ vài năm sau các đoạn này sẽ không còn rừng phòng hộ”, Ông Tranh cho biết thêm.


Huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh cũng là một trong những địa phương ven biển chịu thiệt hại nặng nề của tình trạng nước biển dâng. Tại xã Hiệp Thạnh, trong những năm qua, nước biển dâng tràn vào khu vực sản xuất của bà con hơn 200 ha trên tổng số diện tích 2.200 ha của toàn xã. Nước biển đã đánh ngã rừng phòng hộ ven biển của xã và xâm thực vào đất liền có nơi nhiều nhất là 2.000 m, nơi ít nhất là 500 m. Tính đến nay đã có khoảng 160 ha rừng phòng hộ ven biển bị sóng cuốn trôi. “Hiện nay có 3.000 m đê quốc phòng và 1.200 m đê chạy qua ấp Bào và ấp Chợ, sóng biển đang đánh trực tiếp vào thân đê có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến đời sống của bà con”, ông Nguyễn Văn Kiêm, Chủ tịch xã Hiệp Thạnh, cho biết.


Còn tại Kiên Giang, tính đến thời điểm này, tổng chiều dài các đoạn rừng đã bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt cao lên đến 79 km. Ông Lê Văn Tiễn, Chủ tịch xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: “Mùa khô nắng nóng kéo dài, gây khô hạn, thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng; tình trạng xâm nhập mặn do triều cường làm đất bị nhiễm mặn lấn sâu vào nội đồng… Ngược lại, mùa mưa lượng mưa nhiều; mưa kết hợp lũ từ thượng nguồn gây ngập nặng diện tích đất lúa, hoa màu, cây ăn trái và các khu dân cư. Đợt lũ năm 2011 đã làm ngập ruộng lúa, diện tích trồng mía và táo của 100 hộ dân khiến trên 1.000 ha cây trồng giảm năng suất. Bên cạnh đó, tình trạng xói lở rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng.


Chủ động đối phó


Từ cuối tháng 12/2013 đến nay, cả vùng ĐBSCL đang quyết liệt chống chọi tình trạng khô hạn, nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền. Sau Tết Nguyên đán năm 2014, gió chướng hoạt động mạnh là điều kiện để nước mặn từ các cửa sông chính xâm nhập, lấn sâu. Hiện các tỉnh ĐBCSL đã có kế hoạch phòng, chống hạn mặn xâm nhập, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và hạn chế thấp nhất mức thiệt hại cho nông dân.


Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL xuất hiện sớm hơn trung bình hàng năm khoảng một tháng và lấn sâu vào nội đồng từ 40 - 50 km. Cá biệt tại một số nơi thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An còn vào sâu tới 50 - 60 km. Căn cứ vào số liệu đo đạc tháng 2, độ mặn các trạm đều cao hơn cùng kỳ các năm gần đây. Theo đó, độ mặn đo được tại các trạm dọc sông Tiền cao hơn năm 2012 từ 4,0 - 14,0 g/lít, trên sông Hậu từ 6,0 - 9,0 g/lít.


Tại tỉnh Kiên Giang, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã đóng hệ thống cống ngăn mặn ven biển Rạch Giá - Ba Hòn để giữ ngọt. Đồng thời thực hiện quan trắc, cảnh báo sớm đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng phương án tiêu thoát nước cục bộ cho các trạm bơm dọc 200 km bờ biển của tỉnh. Chính vì thế, hiện mặn chỉ xâm nhập từ các cửa sông chưa có công trình ngăn mặn với nồng độ 4g/lít gồm: Tuyến sông Cái Sắn đến cống Bầu Thì (cách biển 7 km), tuyến Rạch Giá - Hà Tiên đến cầu Thần Nông (cách biển 10 km)... “Thời gian tới với thời tiết ít mưa, mực nước đầu nguồn đổ về tiếp tục giảm, khả năng mặn sẽ tiếp tục xâm nhập với nồng độ và chiều sâu sẽ cao hơn”, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, nhận định.


Theo ông Trung, từ đầu mùa khô, tỉnh đã chủ động đắp 77 tuyến đê tạm thời để ngăn mặn không cho vào vùng ngọt hóa với kinh phí khoảng 4,7 tỷ đồng tại một số huyện ven biển như: An Lương, An Minh, Hòn Đất, U Minh Thượng... “Đến nay vụ lúa đông xuân đã thu hoạch hơn 92.000 ha, đạt 30% so với tổng diện tích gieo sạ hơn 300.000 ha. Do gieo sạ trễ nên số diện tích lúa đông xuân còn lại dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 3. Tính đến thời điểm này thì vùng ngọt hóa vẫn được bảo vệ an toàn nhưng hàng năm phải mất một số tiền không nhỏ để đắp đê tạm thời cho khu vực chưa có cống ngăn mặn. Nguyên nhân là tỉnh không đủ vốn để đầu tư tiếp những công trình ngăn mặn tại các cửa sông”, ông Trung nói.


Trong Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014, hè thu 2014 tại tỉnh Tiền Giang vào ngày 14/3, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT cho biết diện tích sản xuất lúa hè thu tới đây theo kế hoạch khoảng 1.685.400 ha và yêu cầu ngành nông nghiệp các tỉnh tiếp tục tăng cường phòng chống hạn, xâm mặn sản xuất.

 

Theo đó, các địa phương tiếp tục đóng cống, đắp đập thời vụ ngăn mặn, trữ ngọt; ưu tiên nạo vét kênh mương, trục kênh chính, củng cố bờ bao. Đồng thời ngành nông nghiệp tỉnh phải phối hợp với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cập nhật những dự báo dài hạn, ngắn hạn và cập nhật thông tin nồng độ mặn trong ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình hạn, mặn, hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và ở những nơi có điều kiện thuận lợi sẽ nghiên cứu quy trình tưới tiết kiệm.


 

Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN