Đào tạo nghề gắn với thực tiễn việc làm - Bài cuối: Căn cứ vào nhu cầu thị trường

Ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề và đại biểu Quốc hội về vấn đề nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề.

 

 

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH):

Hệ thống dạy nghề cần đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn

 


Những năm gần đây, kinh tế vẫn tiếp tục suy thoái, nên để có việc làm sau đào tạo là một vấn đề thách thức với cả nước, cũng như các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp. Cho nên chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2013 chỉ đề ra đào tạo 1,5 triệu lao động. Trong đó 250.000 lao động được đào tạo trung cấp nghề và cao đẳng nghề, còn lại chủ yếu là học ngắn hạn để giải quyết việc làm ở khu vực nông nghiệp nông thôn.


Cả nước có hơn 1.300 cơ sở dạy nghề, trong đó có 870 trung tâm dạy nghề (402 trung tâm dạy nghề cấp huyện). Đến nay có khoảng 30% số trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Theo thống kê, sau 3 năm triển khai đào tạo nghề theo chương trình 1956, đã đào tạo cho trên 1 triệu lao động, trong đó khoảng 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn. Đây là con số tổng hợp từ các tỉnh, thành, tuy nhiên cũng có tỉnh, thành số người học xong có tỷ lệ có việc làm thấp như Yên Bái 16%, Ninh Bình 56%...

 

Tổng cục Dạy nghề vừa có hướng dẫn về việc sử dụng kinh phí dạy nghề trong năm 2014. Theo đó chỉ tập trung ưu tiên phân bổ kinh phí cho các công trình xây dựng cơ bản và các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2014, không đầu tư xây dựng mới trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Về hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả; dạy nghề gắn với các doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, lao động nữ; phấn đấu thực hiện chỉ tiêu số lao động nông thôn được học nghề là người khuyết tật chiếm ít nhất 5% và lao động nữ chiếm ít nhất 40%.


Trên thực tế, có những trung tâm dạy nghề tuyến huyện đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy, cũng có những cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu. Trách nhiệm của hệ thống dạy nghề là cần phải nâng cao năng lực để nâng cao chất lượng dạy nghề của Việt Nam, đáp ứng với các yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời, hệ thống dạy nghề cần đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới và việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập ASEAN, đến năm 2015, việc công nhận nghề lẫn nhau sẽ là thách thức cho Việt Nam và cần nâng cao hệ thống dạy nghề ngay từ bây giờ, trong đó việc đào tạo nghề gắn với thị trường, với doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, địa phương.


Trong thời gian tới, Tổng cục Dạy nghề rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới dạy nghề về quy mô, cơ cấu trình độ, ngành nghề đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, tiểu vùng và xuất khẩu lao động nước ngoài. Đồng thời thực hiện liên thông trong đào tạo và phân luồng mạnh mẽ trong dạy nghề, đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất.

 

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Đẩy mạnh xã hội hóa

 


Công tác đào tạo nghề có đóng góp nhất định trong việc giảm nghèo tại nhiều địa phương. Tuy nhiên việc dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả chưa cao. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu nhận xét, chương trình dạy nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ đã được triển khai với nguồn lực không nhỏ, nhưng vừa qua có hiện tượng chúng ta chạy theo mô hình huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề, vì thế nguồn lực này dành phần lớn cho xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm, lớp học với nhà quản lý, rất tốn kém, trong khi tiền đầu tư thực sự cho dạy nghề chiếm tỷ lệ thấp.


Thời gian tới, theo tôi, việc dạy nghề gắn với tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ được chú ý nhiều hơn. Muốn vậy sẽ cần có nhiều chính sách hỗ trợ đi kèm. Trước tiên, phải đẩy mạnh xã hội hóa, việc học nghề và tạo việc làm không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước. Nhà nước không thể đứng ra lo việc làm cho mấy chục triệu lao động, mà phải thông qua việc phát huy sức sáng tạo của người dân, bằng cơ chế chính sách và hỗ trợ nguồn lực Nhà nước để huy động xã hội tham gia tích cực vào dạy nghề và tạo việc làm. Đây là giải pháp bền vững.


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN