Đàm phán Iran bước vào thời điểm quyết định

Iran và Nhóm P5+1 đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh thời hạn chót cho việc đạt được một thỏa thuận khung đã cận kề.

Thỏa thuận 2 giai đoạn?

Từ 21 - 23/2, đại diện của Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã nối lại các cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ). Cùng với đó là các cuộc hội đàm song phương giữa phái đoàn Mỹ và Iran với sự hiện diện của Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Mohammad Javad Zarif.

Phái đoàn Mỹ và Iran gặp nhau ngày 23/2 tại Geneva.Ảnh:AP



Các cuộc tiếp xúc được mô tả là “có hy vọng” và các bên đồng ý sẽ tiếp tục gặp lại nhau vào ngày 2/3 tới tại Geneva. Đáng chú ý, lần đầu tiên Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Akbar Salehi xuất hiện trong thành phần đoàn, cho thấy tiến trình đàm phán bước vào giai đoạn quyết định, thảo luận các vấn đề chi tiết kĩ thuật liên quan đến thỏa thuận khung để tiến đến thỏa thuận cuối cùng.

Phát biểu trước báo giới, ông John Kerry cho biết vòng đàm phán vừa qua "đã đạt được tiến bộ". Ngoại trưởng Iran Zarif thì nói rằng các bên đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc, hiểu rõ hơn quan điểm của nhau. Trưởng đoàn đàm Trung Quốc Vương Quân chia sẻ, Mỹ và Iran đã xích lại gần nhau hơn, đồng thuận sẽ giải quyết những trở ngại chính để tìm ra giải pháp cuối cùng đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Thông tin về kết quả các cuộc tiếp xúc kín vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng truyền thông Mỹ và phương Tây đưa tin, thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chương trình hạt nhân Iran có thể “đã được định hình”. Điểm then chốt nhất chính là việc các bên đạt được sự thống nhất giới hạn tiềm lực hạt nhân của Tehran, ở ngưỡng không đủ điều kiện để chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, phương Tây sẽ nới lỏng và tiến đến dỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt chống Iran. Hãng tin AFP dẫn lời quan chức Mỹ tham dự đàm phán nói rằng, thỏa thuận khung sẽ được thiết lập trên nền tảng “2 giai đoạn”. Theo đó, Tehran sẽ ngừng các hoạt động hạt nhân trong vòng 10 năm. Kết thúc thời hạn này, Nhóm P5+1 sẽ từng bước nới lỏng các hạn chế để Iran có thể trở lại với chương trình hạt nhân của mình. Đây được coi là một bước nhượng bộ của Mỹ, vì trước đó Washington và các đồng minh phương Tây đòi hỏi Iran phải dừng chương trình hạt nhân trong vòng 20 năm. 

Những trở ngại cần vượt qua

Sức ép đang đè nặng lên vai của các nhà đàm phán, khi Iran và Nhóm P5+1 đặt ra thời hạn chót là ngày 31/3/2015 phải đạt được thỏa thuận khung, tiến đến thỏa thuận cuối cùng trước ngày 1/7/2015. Trong khoảng thời gian hơn một tháng, các bên phải giải quyết nhiều điểm tồn tại, cả về nội dung thỏa thuận cũng như sức ép chính trị từ nhiều phía. 

Các vấn đề kĩ thuật hiện vẫn là một trở ngại lớn. Mỹ và Iran vẫn bất đồng về chương trình làm giàu urani của Tehran. Iran hiện sở hữu 19.000 máy ly tâm, với 10.200 máy đang hoạt động, chế ra urani dạng khí làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân và phục vụ y học. Một chuyên gia hạt nhân tiết lộ, Washington muốn Tehran giảm số lượng máy ly tâm xuống còn 6.500 - 7.000 máy. Ngược lại, Iran chỉ muốn giảm số lượng máy ở mức độ 5%. Đối với các lệnh cấm vận, Iran yêu cầu tất cả các lệnh cấm vận phải đồng thời được dỡ bỏ - điều mà Mỹ và các đồng minh phương Tây hiện chưa chấp nhận, vì cho rằng các đòn trừng phạt sẽ chỉ được nới lỏng từng bước, theo giai đoạn, căn cứ vào mức độ tuân thủ cam kết của Tehran. 

Sự chống phá quyết liệt của Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ, là một nhân tố không thể bỏ qua. Bộ trưởng Quốc phòng nước này Moshe Yaalon cảnh báo, một thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ đưa đến một mối đe dọa lớn đối với hòa bình thế giới, tạo điều kiện để Iran bước vào vị thế của một “quốc gia hạt nhân”, vừa thoát khỏi các lệnh cấm vận. Phát biểu trước báo giới ngày 24/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ bằng mọi cách ngăn chặn thỏa thuận giữa nhóm P5+1 với Iran. Quan điểm này sẽ được ông Netanyahu “giải thích” rõ hơn khi ông có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong tuần tới. Đáng chú ý, cách tiếp cận của Tel Aviv hiện giành được sự hậu thuẫn của nhiều nghị sĩ Mỹ, những người vẫn đang quyết tâm theo đuổi các dự luật trừng phạt Iran. 

Các nhân tố trên lý giải tại sao các bên luôn thể hiện thái độ thận trọng trong đàm phán. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nhìn nhận, xác suất đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran vào hạn chót 30/6 là 50/50 và chính quyền của Tổng thống Obama không có ý định kéo dài thêm các cuộc đàm phán quá hạn chót. Về phần mình, ông Zarif tuy ghi nhận đàm phán có tiến triển, nhưng vẫn nói rằng còn “một chặng đường dài” cần phải vượt qua để đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Hoài Thanh

Iran vĩnh viễn bị cấm sản xuất vũ khí hạt nhân
Iran vĩnh viễn bị cấm sản xuất vũ khí hạt nhân

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Tehran bị cấm sản xuất vũ khí hạt nhân "vĩnh viễn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN