Đã có 325 ca mắc, 1 ca tử vong do viêm não

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đến ngày 30/6, cả nước ghi nhận 325 ca viêm não vi rút tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 ca tử vong ở tỉnh Gia Lai (2 ca), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) và Hà Nội (1).


Khu vực miền Bắc có số mắc chiếm 65,8% số ca viêm não cả nước, miền Trung 12,3%, miền Nam 17,5% và Tây Nguyên là 4,4%. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là TPHồ Chí Minh (44), TP Hà Nội (37), Quảng Ngãi (37), Thái Bình (28), Sơn La (24)… Các ca bệnh xuất hiện rải rác tại các địa phương, không có ổ dịch tập trung.

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đến nay đã tiếp nhận điều trị 129 ca viêm não vi rút (chiếm 40% số bệnh nhân viêm não vi rút trên cả nước), 1 ca tử vong; trong đó, có 46 ca được chẩn đoán xác định là viêm não Nhật Bản tại 18 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhiều ở Hà Nội (15 ca, trong đó 1ca tử vong), Hải Dương (5 ca), các tỉnh khác ghi nhận từ 1 - 3 ca. Kết quả điều tra cho thấy số ca mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi, tương đương 84,8%; trong đó, trẻ dưới 1 tuổi chiếm 15,2%.


Viêm nãovi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên; trong đó, vi rút viêm não Nhật Bản là một trong những tác nhân gây bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.


Vậy nên, các chuyên gia y tế nhận định, thời gian tới là mùa cao điểm của bệnh viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản. Để chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường sự chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của các ban ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường đầu tư cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh.


“Về phía ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong đồng thời chống lây chéo trong các cơ sở điều trị. Tổ chức tốt việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng để đạt tỷ lệ cao và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vắc xin và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân”, ông Trần Đắc Phu cho biết.


Cũng theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay, bệnh viêm não vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và mới chỉ có viêm não Nhật Bản là có vắc xin phòng bệnh. Do đó, người dân cần chủ động tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch.


Nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm. Bởi vậy, trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau: Mũi 1lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.


Phương Liên

Đã có 325 ca mắc, 1 ca tử vong do viêm não
Đã có 325 ca mắc, 1 ca tử vong do viêm não

Đến ngày 30/6, cả nước ghi nhận 325 ca viêm não vi rút tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 ca tử vong ở tỉnh Gia Lai (2 ca), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) và Hà Nội (1).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN