Cựu Thủ tướng Berlusconi từng chi tiền cho mafia

Theo trang điện tử http://www.guardian.co.uk/ (Anh), Tòa án Tối cao Italia ngày 24/4 cho biết cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã từng chi nhiều khoản tiền lớn cho mafia ở Sicily để bản thân ông và gia đình được bảo vệ, tránh bị bắt cóc vào giữa những năm 1970.


Ông Silvio Berlusconi. Ảnh: Internet


Thông tin trên nằm trong bản tài liệu dài 146 trang của Tòa án Tối cao Italia, vốn được đưa ra để giải thích cho phán quyết của tòa án này hồi tháng trước theo đó hủy bỏ bản án của các tòa cấp dưới đối với ông Marcello Dell'Utri, một người Sicily từng làm việc cho ông Berlusconi trong những năm 1970. Theo Tòa án Tối cao, việc được băng đảng mafia Cosa Nostra ở Sicily bảo vệ “là không hề miễn phí” và ông trùm truyền thông Berlusconi là “nạn nhân của sự tống tiền”.

Vào những năm 1970, các tổ chức tội phạm ở Italia thường bắt cóc những người giàu có hoặc con cái của họ để đòi tiền chuộc. Những vụ việc như thế thường hay xảy ra ở khu vực miền bắc của Italia, vốn giàu có hơn khu vực miền nam. Một thí dụ điển hình là vụ John Paul Getty III, cháu nội của ông trùm dầu mỏ John Paul Getty Snr, bị bắt cóc ở Rôma và bị băng đảng tội phạm vùng Calabria giam giữ trong vòng 5 tháng vào năm 1973. Bọn tội phạm đã cắt tai ông Getty và bỏ vào phong bì gửi đến cho một tờ báo của Italia để ép gia đình của ông này phải chi một khoản tiền chuộc.

Theo tài liệu của Tòa án Tối cao, một tên tội phạm người Sicily có tên là Vittorio Mangano và sau này bị kết tội giết người, đã từng sống trong nhà của ông Berlusconi ở gần Milan vào giữa những năm 1970 với vai trò là người nuôi ngựa. Tại thời điểm đó, ông Berlusconi đã có 2 người con với người vợ đầu tiên. Năm 2008, ông Berlusconi nói rằng Mangano đã cư xử rất tốt. Ông nói: “Mangano đã sống cùng chúng tôi và thường đưa con của chúng tôi đến trường”. Mangano qua đời vào năm 2.000.

Nhưng tại một trong những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối cùng trước khi bị mafia ám sát bằng cách gài bom vào xe ô tô vào năm 1992, công tố viên thành phố Palermo (thủ phủ vùng Sicily), Paolo Borsellino, đã mô tả Mangano như là một nhân vật chủ chốt phụ trách các lợi ích kinh doanh của Cosa Nostra ở miền bắc Italia.

Mặc dù cựu Thủ tướng Berlusconi được đề cập trong phán quyết nói trên của Tòa án Tối cao, nhưng ông lại không liên quan đến vụ việc. Tài liệu của Tòa án Tối cao chỉ giải thích lý do tại sao tòa đã hủy phán quyết của các tòa cấp dưới đối với Dell'Utri, người đang là nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân Tự do (PDL) của ông Berlusconi. Hồi tháng trước, Tòa án Tối cao đã bác bỏ phán quyết của hai tòa cấp dưới kết tội ông Dell'Utri cấu kết với Cosa Nostra do cho rằng các quan tòa ở Palermo đã không chứng minh được sự cấu kết này. Vì thế, một phiên xét xử mới đối với ông Dell'Utri sẽ được mở trở lại. Trước đó, ông Dell'Utri đã bị kết án 7 năm tù.

Trong khi đó, ông Berlusconi, do bị dính líu vào các vụ bê bối tình dục và tham nhũng, đã buộc phải từ chức thủ tướng hồi tháng 11/2011 và được thay thế bởi nhà kỹ trị Mario Monti trong bối cảnh Italia đang phải đương đầu với nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công giống như của Hy Lạp. Lâu nay, ông Berlusconi luôn cho rằng các quan tòa cánh tả đã phát động một chiến dịch trong nhiều thập kỷ qua nhằm hạ bệ ông và phá hoại nền dân chủ. Cựu Thủ tướng Berlusconi hiện đang là bị cáo trong 5 phiên tòa khác nhau, trong đó ông đang đối mặt với các cáo buộc như mua dâm gái vị thành niên, gian lận trong kinh doanh và tham nhũng.


Ngự Bình (P/v TTXVN tại Italia)

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi từ chức
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi từ chức

Tối 12/11 (rạng sáng 13/11 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Italia Berlusconi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này, mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới nhằm chèo lái đất nước Italia thoát khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN