Cứu đất diễn cho nghệ thuật truyền thống

Nói đến nghệ thuật truyền thống là nói đến tuồng, chèo, cải lương, ca kịch bài chòi, là các ngón nghề đàn ca mà cha ông từ ngàn xưa để lại... Nhưng trong bối cảnh cơn lốc của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thiếu đất diễn và bị khán giả trẻ quay lưng. Hội thảo "Âm nhạc dân tộc với đời sống hôm nay" do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp với Nhạc viện TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây như một lời cảnh báo đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống.

 

Sân khấu chèo ngày càng thiếu vắng khán giả.Minh Đức - TTXVN


Có thực tế, hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống không còn mặn mà với nghề. Vắng khán giả, thiếu đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế cận, sân khấu truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Rất nhiều câu chuyện nghề cảm động được nêu tại hội thảo. Một diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam (hai lần giành Huy chương vàng liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, Giải thưởng tài năng sân khấu trẻ) kể rằng, có không ít đêm diễn, trang điểm xong, vén tấm màn nhung nhìn xuống hàng ghế khán giả thấy vắng hoe. Cả đoàn vài chục con người luôn trong tư thế sẵn sáng, chỉ cần vài ba khán giả vào rạp là mở màn biểu diễn, nhưng cũng chẳng có khán giả nào đến rạp. Dù được chuẩn bị kỹ càng, công phu, cuối cùng đêm diễn cũng đành phải hủy.


Còn một nhạc công có thâm niên của Nhà hát Chèo Thái Bình tâm sự rằng, cứ hết giờ làm việc ở nhà hát, anh lại rong ruổi cùng chiếc xe máy cà tàng chở khách, mong có thêm thu nhập trang trải cuộc sống thường ngày...


Từ nhiều năm nay, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã trăn trở, kiếm cách đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả, nhưng xem ra không mấy kết quả. Rạp Hồng Hà (Hà Nội) hiếm khi đỏ đèn. Với nghệ thuật chèo, “anh cả” của làng chèo là Nhà hát Chèo Việt Nam cũng trong tình trạng thiếu vắng khán giả. Rạp Kim Mã một tháng chỉ vài ba đêm đỏ đèn, nhưng khán giả cũng rất thưa thớt (phần lớn là phục vụ khán giả có tuổi), còn khán giả trẻ thì hầu như không thấy. Vùng vẫy tìm đường ra, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã phải pha trộn cải lương với điện ảnh trong vở "Yêu là thoát tội" để lôi kéo khán giả, tuy nhiên kết quả cũng không mấy khả quan.

Còn ở các tỉnh Nam Bộ, sân khấu Dù kê, ca kịch bài chòi (Nam Trung Bộ), hay kịch hát Nghệ Tĩnh... dựng vở cũng chỉ hy vọng để bảo tồn vốn quý mà cha ông để lại, hoặc để tham gia hội diễn, hay liên hoan sân khấu! Nhiều diễn viên trẻ cho biết, họ chấp nhận theo đuổi sân khấu truyền thống vì đam mê dù không sống được bằng nghề. Tuy nhiên, số đó không nhiều. Chế độ đãi ngộ thấp khiến đội ngũ làm nghề trẻ vắng bóng trên sân khấu. Dù nhiều người rất đam mê nhưng không mấy ai dám theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống trước nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thực tế, chưa có nhà hát nào có thể trụ được bằng doanh thu từ biểu diễn. Vẫn biết, diễn viên trẻ là lực lượng kế thừa vốn quý của ông cha để lại, nhưng khi đời sống của họ không được đảm bảo, thì khó có thể đòi hỏi họ gắn bó, tâm huyết với nghề.


Có rất nhiều nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với sân khấu truyền thống. Nguyên nhân chủ quan đầu tiên xuất phát từ chính thể loại khiến khán giả trẻ khó tiếp nhận vì họ không hiểu. Trong khi đó, việc phổ biến nghệ thuật truyền thống lại chưa được quan tâm đúng mức. Cũng dễ hiểu bởi hiện nay, nhiều các loại hình văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin.. đang dần lấn át nghệ thuật truyền thống. Sự đa dạng, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật giải trí đang lôi cuốn giới trẻ, khiến họ ngày càng xa rời sân khấu truyền thống.


Nhận thức rõ được nguy cơ này, những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đưa sân khấu truyền thống vào trường học. Tuy nhiên, các chương trình, dự án chỉ mang tính nhỏ lẻ (chủ yếu là sự hỗ trợ của các đoàn nghệ thuật truyền thống), chưa có chương trình tầm cỡ quốc gia, dài hơi để truyền dạy nghệ thuật dân tộc cho đông đảo học sinh, sinh viên. Chẳng hạn với nghệ thuật tuồng, chèo, phải am hiểu điển tích và đặc trưng nghệ thuật của nó thì mới cảm nhận được ý nghĩa vở diễn muốn chuyển tải; nếu không sẽ chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu”.


Vì không được tiếp xúc, không được truyền dạy, đã dẫn đến các em không hiểu và không yêu thích nó; trong khi đối tượng này lại có quá nhiều loại hình khác để lựa chọn.


Đã muộn, nhưng dẫu muộn vẫn phải làm, còn hơn không làm gì mà chỉ đứng nhìn giới trẻ xa dần bản sắc văn hóa dân tộc.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN