Cuồn cuộn sóng Biển Đông trên diễn đàn lập pháp

Trong 10 ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được đặc biệt quan tâm. Trong tình hình hòa bình và an ninh của đất nước đang bị đe dọa, mỗi lời phát biểu, trả lời phỏng vấn của các vị đại biểu Quốc hội đều cuồn cuộn “gió và sóng” Biển Đông.


Mạnh mẽ và kiên quyết


Ngay từ phiên họp báo quốc tế, đêm trước ngày khai mạc Kỳ họp, tâm điểm trong hàng chục câu hỏi của các nhà báo trong nước và quốc tế gửi đến Người Phát ngôn của Quốc hội là thái độ của cơ quan lập pháp đối với hành động thách thức, vi phạm pháp luật quốc tế nghiêm trọng đang diễn ra trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

Đúng như mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, ngay sau tiếng Quốc ca khai mạc Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đều đồng loạt đề cập đến việc giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đặt hạ trái phép trên vùng biển Việt Nam trong các bài phát biểu, báo cáo trước Quốc hội. Nhân dân cả nước đã cảm nhận được những đánh giá tình hình thẳng thắn, thời sự và khẳng định trách nhiệm to lớn của Quốc hội đối với thách thức mà đất nước đang phải đối mặt.


Thay mặt cho gần 500 đại biểu của cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc".


Chủ tịch Quốc hội tuyên bố: “Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”.


Đó cũng là nhận định, là thái độ của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trước việc làm sai trái mà Trung Quốc cố tình tạo ra.


Gửi đến Quốc hội ý kiến của đồng bào, cử tri trong và ngoài nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ: Nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này.


Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết: Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cực lực phản đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.


Ngay trước khi báo cáo chuyên đề Biển Đông với Quốc hội buổi chiều ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp, khi dành cho báo chí phần trả lời phỏng vấn ngay tại hội trường, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - người đặc trách công tác ngoại giao Nhà nước khẳng định: “Chúng ta vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc và cho đến nay đã có 20 cuộc giao thiệp, chúng ta kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó. Đó là lập trường kiên quyết của ta. Tất cả các biện pháp hòa bình chúng ta đều có thể sử dụng để bảo vệ chủ quyền của ta”.


Trên dưới một lòng


Từ ý kiến phát biểu định hướng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 làm “dậy sóng” dư luận quốc tế, cực lực phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, đến bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 7 nức lòng cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trùng trùng điệp điệp những tuyên bố mạnh mẽ, dứt khoát, khẳng định lập trường trước sau như một của Đảng, Nhà nước ta phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước. Những phát biểu mạnh mẽ, hòa chung với “nhịp đập” của lòng yêu nước nồng nàn trong mọi tầng lớp nhân dân đã thổi bùng lên tình đoàn kết, gắn bó, truyền thống quý báu của dân tộc Việt, nhất là khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm hại.


“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, người Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.


Là nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước, Quốc hội đã và đang chứng tỏ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của mình. Mỗi phiên làm việc, mỗi chủ đề thảo luận, đều có kế sách lâu dài cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước trong bối cảnh phải “đối mặt” với những “cơn sóng” kéo dài trên Biển Đông.


Bảo vệ chủ quyền, ổn định kinh tế


Một “nét riêng” của Kỳ họp thứ 7 là “ngọn lửa” nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Dường như, mỗi đại biểu, ai cũng cảm thấy cần nỗ lực nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn, cố gắng hoàn thành tốt hơn vai trò đại diện cho ý chí của cử tri.


Chung vai trước biến cố đe dọa an ninh quốc gia, nhiều đại biểu tích cực hiến kế giữ vững chủ quyền biển đảo, vun đắp cho tình hữu nghị láng giềng đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của đất nước.


Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ họp này là cơ hội tốt để bàn bạc và thống nhất quyết sách lớn bảo vệ chủ quyền, giữ được hòa bình, ổn định. Quốc hội phải tận dụng hết quyền năng của mình, nhất là trong phân bổ các nguồn lực quốc gia.


Đã có ý kiến đề nghị cần “thắt lưng buộc bụng” tập trung nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền. Cần đặt nền kinh tế vào trạng thái động, vừa ổn định vĩ mô vừa gắn kinh tế với quốc phòng; sắp xếp lại ưu tiên đầu tư để dành ngân sách hỗ trợ cho ngư dân hình thành những đội tàu lớn đủ sức vươn khơi, bám biển và ưu tiên các dự án quốc phòng biên giới.


Đáp ứng mong đợi của đại biểu và cử tri, một thông điệp mạnh mẽ từ nghị trường về tình hình Biển Đông đã được ban hành ngay sau ngày làm việc thứ 2. Kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, trong Thông cáo, Quốc hội kêu gọi các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.


Khác với các thiết chế quyền lực khác như hành pháp, tư pháp, Quốc hội bàn việc nước là sự thể hiện rõ nét nhất quyền dân chủ đại diện của người dân, sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước và nhân dân đối với những vấn đề quốc kế, dân sinh. Khi mọi câu chuyện được đặt lên bàn nghị sự, nhất là câu chuyện về chủ quyền Tổ quốc, người ta thấy rất rõ “hơi thở cuộc sống”, chính kiến của nhân dân qua mỗi ý kiến phát biểu trên hội trường. Đó cũng là những dấu hiệu rõ ràng nhất, sinh động nhất trong nỗ lực của Quốc hội ngày càng gần dân, sát dân hơn.


Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN