Công nghệ “cứu” ngôn ngữ sắp biến mất tại Ấn Độ

Trong ngôn ngữ của Bhatu Kolhati (bộ lạc du mục sống ở vùng hẻo lánh của bang miền tây Maharashtra, Ấn Độ), “tatti” có nghĩa là trà và “glulle” là thịt, nhưng anh Kuldeep Musale lại gần như không nhớ chút gì về tiếng mẹ đẻ của mình. Được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và học tại trường nội trú từ khi 6 tuổi, Musale thay vào đó đã sử dụng những ngôn ngữ phổ biến nhất tại đất nước 1,2 tỉ dân này là tiếng Hindi, Marathi và tiếng Anh. Musale, 30 tuổi, đang làm việc tại thành phố Pune cách Mumbai 150 km, bộc bạch: “Khi bạn không còn thường xuyên lắng nghe một ngôn ngữ, bạn sẽ quên nó”.

 

Một hoạt động trong dự án ghi âm lại ngôn ngữ có nguy cơ “tuyệt chủng” tại Arunachal Pradesh, Ấn Độ.


Hiện nay, điện thoại di động không những là phương tiện giúp Musale liên lạc với cha mẹ ở quê mà còn hỗ trợ anh tiếp cận với ngôn ngữ mẹ đẻ đang dần biến mất. Bất cứ khi nào trở về thăm nhà, Musale lại ghi âm các bài hát hoặc tiếng nói của những bậc cao niên ở làng vào chiếc điện thoại thông minh của mình.


Có thể nói, giao tiếp bằng điện thoại thông minh và Internet đang trở thành cách hữu hiệu nhất giúp làm sống lại những ngôn ngữ cổ đang có nguy cơ bị “tuyệt chủng” ở Ấn Độ. Tại Ấn Độ có 780 thứ tiếng nhưng con số chính thức được đưa ra là 122, trong khi 50 năm gần đây có đến 220 ngôn ngữ đã biến mất. Với 197 thứ tiếng có nguy cơ “tuyệt chủng”, Ấn Độ đang đứng đầu danh sách những nước có nhiều ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm của UNESCO.


Theo thống kê của công ty McKinsey năm 2012, Ấn Độ đã trở thành nước sử dụng Internet lớn thứ ba trên thế giới với khoảng 120 triệu người. Đến năm 2015, Ấn Độ sẽ có thể chiếm lĩnh vị trí thứ hai với ít nhất 320 triệu người dùng Internet khi giá cước sử dụng mạng và điện thoại ngày càng giảm.


Những tín hiệu tích cực trên thị trường công nghệ đã dẫn tới việc xuất hiện 8 từ điển online, bao gồm những ngôn ngữ ít người nói tại Ấn Độ như Ho và Remo. Google cũng đã bắt đầu tham gia vào chương trình bảo tồn ngôn ngữ tại Ấn Độ với dự án “Ngôn ngữ đang bị đe dọa” nhằm số hóa 3.000 thứ tiếng.


Một ví dụ điển hình về sự nhanh nhạy bắt kịp thời cuộc nhưng không lãng quên truyền thống là cộng đồng người Koro ưa thích công nghệ tại Ấn Độ. Hiện nay người dân Koro luôn tích cực chia sẻ các video clip trên Youtube với nội dung về kiến thức sử dụng cây thuốc, truyền thuyết của bộ lạc…


Sự phát triển vượt trội của điện thoại di động và Internet tại Ấn Độ đã mở ra “một thế giới mới” với mạng xã hội, ứng dụng di động, trò chơi tương tác, từ điển mạng và phần mềm mở..., góp phần cho phép con người sử dụng ngôn ngữ của họ một cách sáng tạo. Theo đó, mạng xã hội đã “cứu” những ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm bằng cách tập hợp lại những cộng động nhỏ và rời rạc, cung cấp phương tiện hữu dụng nhất để giao tiếp trực tiếp với những người thành thạo tiếng bản địa.


Kevin Scannell, nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại đại học St Louis (Mỹ) đã phát hiện được 61.909 người sử dụng Twitter trao đổi với nhau bằng 153 ngôn ngữ, trong đó có 79 ngôn ngữ (bao gồm cả 6 thứ tiếng ở Ấn Độ là Khasi, Lushai, Karbi, Mara Chin, Thado Chin và Tulu) đang có nguy cơ biến mất.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có một điểm yếu là ngôn ngữ thường được sử dụng bằng phương pháp viết trong khi những ngôn ngữ bộ lạc thường là truyền miệng. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của những trang web như www.speaktalkchat.com - tập trung vào video trò chuyện nhóm với nhiều thứ tiếng phong phú, trong đó có cả những thứ tiếng sắp biến mất.


Có thể nói, những tiến bộ về công nghệ đang góp phần lưu giữ sự tồn tại của nhiều ngôn ngữ cổ nhưng điều quan trọng nhất, theo như nhận định của nhà nghiên cứu Scannell: “Để cứu một ngôn ngữ thì việc quan trọng nhất là truyền tải tình yêu với ngôn ngữ đó đến thế hệ trẻ”.

Hà Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN