Coca Cola sẽ rời Bolivia vào 'Ngày tận thế'

“Ngày tận thế” 21/12/2012 đã được các nhà khoa học chứng minh đó chỉ là ngày kết thúc của một chu kỳ thời gian theo lịch của người Maya cổ đại và mở ra một chu kỳ mới. Tuy nhiên, ngày này chắc chắn sẽ là ngày cuối cùng của “người khổng lồ” nước giải khát Mỹ Coca Cola tại Bolivia, theo lệnh cấm mới được chính phủ nước này công bố.


Tổng thống Bolivia, Evo Morales đi đầu trong chiến dịch phản đối Coca Cola và bảo vệ việc sử dụng lá coca làm nguyên liệu sản xuất phục vụ đời sống.


Thông báo nói trên được đưa ra sau nhiều năm tranh cãi giữa Bolivia với Coca Cola xung quanh bản quyền của hai chữ coca, tên loại cây truyền thống của quốc gia nam Mỹ này.


Được sự ủng hộ của Tổng thống Evo Morales, Bộ trưởng Ngoại giao David Choquehuanaca tuyên bố, chính phủ đang ủng hộ việc “khởi đầu một kỷ nguyên mới thoát khỏi chủ nghĩa tư bản” đồng thời bảo vệ “nền văn hóa đời sống” và “tinh thần cộng đồng”.


Coca Cola là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới và các sản phẩm của họ xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên trái đất. Hiện nay, chỉ có 3 quốc gia Coca Cola chưa được đặt chân tới là Cuba, CHDCND Triều Tiên và Myanmar.


Coca Cola được yêu thích ở khắp nơi trên thế giới.


Từ nhiều năm nay, Bolivia đã yêu cầu hãng Coca-cola phải bỏ chữ "Coca" trong tên sản phẩm, với lập luận rằng loại cây này là di sản văn hóa của Bolivia, nơi mà lá côca gắn liền với cuộc sống thường nhật, thậm chí là biểu tượng thiêng liêng đối với nhiều người dân ở đây.


Ngày 14/3/2012, một ủy ban gồm các đại diện của ngành coca Bolivia đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu công ty nước giải khát nổi tiếng thế giới, có trụ sở tại Atlanta, bỏ chữ "Coca" trong tên công ty và tên sản phẩm, đồng thời yêu cầu Liên hợp quốc (LHQ) hợp pháp hóa loại lá cây này.


Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Evo Morales nhằm khôi phục hình ảnh của cây coca, vốn được dùng phổ biến trong nền văn minh Andes ở Nam Mỹ, nhưng lại chủ yếu được biết đến trên thế giới như là nguyên liệu chính để sản xuất cocaine.


Phản bác lại yêu cầu này, Coca-Cola tuyên bố rằng, thương hiệu của họ là “nhãn hiệu đã được công nhận và có giá trị nhất thế giới” và được bảo vệ bởi chính luật pháp Bolivia. 


Tại Bolivia, người lao động thường nhai lá coca cho đỡ mệt.


Ở trạng thái tự nhiên, lá cây coca chỉ là một chất kích thích nhẹ. Tại các công sở ở Bolivia, trà coca được dùng thay cho cà phê, còn các tá điền, công nhân mỏ và lái xe tải đường dài thường nhai lá cây này để chống mệt mỏi.


Chính phủ Bolivia muốn Liên hợp quốc hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh các sản phẩm làm từ cây côca nhằm thúc đẩy xuất khẩu của nước này. Ông Morales, một người đã từng trồng cây coca, cho rằng một thị trường quốc tế cho các sản phẩm làm từ coca, như trà, bột, rượu và thậm chí là kem đánh răng sẽ "cứu" diện tích khoảng 65.500 mẫu cây coca của Bolivia khỏi các hoạt động buôn bán thuốc phiện.


Tuy nhiên, Mỹ, nước đang tài trợ cho chương trình phá hủy cây coca của Bolivia, đã kiên quyết phản đối kiến nghị này vì lo ngại nguyên liệu coca sẽ phục vụ cho sản xuất ma túy.



Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN