Chuyện về chiến khu thứ 8 thời tiền khởi nghĩa - Bài cuối: Đừng lãng quên trang sử hào hùng

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1976, một số lão thành cách mạng đã có chủ kiến lập hồ sơ để báo cáo với cấp trên công nhận Bừng là làng cách mạng, làng có công với nước. Suốt từ năm 1976 đến 1978 ông Hà Văn Trung (nguyên là Bí thư Đảng ủy huyện Lạng Giang) và ông Hoàn Văn Sử - công an huyện phối hợp 1 cựu chiến sĩ tự vệ làng Bừng là ông Hoàng Hoa Phẩm đã cất công tìm kiếm những tư liệu về làng Bừng để lập thành hồ sơ. Sau khi hồ sơ đã hoàn thiện các ông đã không quản đường sá nhiều lần đạp xe từ Lạng Giang xuống thị xã Bắc Giang để giao nộp cho Ty Văn hóa Hà Bắc (khi đó Bắc Giang - Bắc Ninh vẫn còn gọi là tỉnh Hà Bắc) hồ sơ yêu cầu công nhận Bừng là làng có công với nước.

Hiện nay tấm bằng được đưa về nhà ông Giáp Văn Hiếu (vì ông Hiếu đang trông nom đình Bừng).


Sau bao nhiêu gian khó, một tấm bằng ghi nhận công lao của làng Bừng cũng đã ra đời. Tấm bằng ghi rõ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng bằng: Có công với nước cho cán bộ, nhân dân làng Bừng đã tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám”.


Tấm bằng danh giá và trang trọng là vậy, nhưng thật buồn khi 34 năm nay nó phải đi ở nhờ trong các nhà dân.


Ông Hoàng Văn Tài, người từng trông đình Bừng thời gian tấm bằng lưu lạc cho chúng tôi biết: “Khi tấm bằng về đến làng do không có chỗ treo nên đã được để ở nhà ông Giáp Văn Sâm. Sau một thời gian ông trưởng thôn Thuận (1 trong 4 thôn ở Bừng) đã tự ý đưa tấm bằng khen về nhà mình. Sau đó tấm bằng khen lại tiếp tục được chuyển sang nhà ông Nguyễn Văn Lành (thôn Thuận).


Tấm bằng trên được treo ở nhà ông Lành. Chính vì bằng khen đi ở nhờ nhà dân, nên đã có rất nhiều đoàn lãnh đạo tỉnh, Trung ương về đây mà không xem được tấm bằng gốc này.


Sau một thời gian “tranh giành” đến năm 2010, tấm bằng đã được cất kĩ trong tủ nhà ông Hiếu (hiện là thủ từ đình Bừng).


Sau hơn 30 năm không có chỗ treo phải đi ở nhà, tấm bằng đã bị mất cuống gốc. Điều lạ là bằng khen này đã đem về làng được 34 năm (từ 1978) mà chính chính quyền địa phương vẫn như không hề biết rằng có sự tồn tại của nó? Ngay đề nghị chính đáng của các cụ, xây ở làng một gian nhà truyền thống treo bằng, để các hiện vật lịch sử cũng bị chính quyền các cấp từ chối.


Năm 1995 cơ quan chức năng của Bắc Giang đã có ý định hỗ trợ làng Bừng 18 triệu đồng để xây dựng nhà lưu niệm. Nhưng khi ấy chính quyền thôn, xã coi nhẹ việc này và không có 2 triệu đồng tiền đối ứng, nên kết quả đến bây giờ tấm bằng khen vẫn chưa có nơi trú ngụ!


Chúng tôi đã rất may mắn khi gặp lại được 4 chứng nhân sống cuối cùng của đội tự vệ 44 người ở làng Bừng năm xưa là ông Hà Văn Cứ, Nguyễn Khắc Nhượng và bà Nguyễn Thị Cộng, Giáp Văn Sâm. Đến nay họ đều đã bước vào độ tuổi U90 gần đất, xa trời. Bà Nguyễn Thị Cộng, người từng coi Hà Thị Quế như chị em thân thiết thời hoạt động cách mạng rầu rĩ nói: “Từ những việc nhỏ nhất như vo gạo, nấu cơm, giặt quần áo cho các đồng chí cách mạng cho đến việc cắt tóc, luyện võ, tập bắn súng rồi tham gia cướp tầu thóc của Nhật..., tôi đều đã từng tham gia. Cách mạng về làng, tôi cùng các chị em muốn góp chút sức mọn, các vị lãnh đạo sai gì thì làm đấy, không ai sợ và kêu khó”.


Còn ông Hà Văn Cứ đã từng chiến đấu trong đội tự vệ làng Bừng trước cách mạng và cả khi đánh Pháp thì chỉ vì một lần đổ tường nhà mất hết giấy tờ cũng thành ra chả được công nhận. Người con gái của ông cứ xuýt xoa: “Đến khổ cho cha tôi, mất hết giấy tờ rồi. Những người 80 - 90 tuổi còn sống ở Bừng ai mà chả biết bố tôi đã tham gia vào đội quân chiến đấu ở Bừng, đi giải phóng dưới Bắc Giang. Họ hoàn toàn có thể chứng nhận điều ấy, nhưng chẳng hiểu sao đến bây giờ bố tôi vẫn là người vô danh nghĩa với cách mạng Tháng Tám”. Trường hợp của ông giáo Nhượng cũng vậy. Ông giữ lại danh sách và những bản chép tay về công lao, thành tích của những chiến sĩ làng Bừng nhưng cũng chỉ để cất kĩ trong tủ, phục vụ mấy người làm báo”.


Đối với ông Sâm, người đang giữ vật chứng duy nhất của thời tiền khởi nghĩa bảo rằng mình sẽ giữ nòng khẩu súng kíp đó đến chết mới thôi. Thậm chí, anh Trường con ông cũng đã thấu hiểu được tầm quan trọng của nó nên đã cất kĩ trong tủ. Anh Trường bảo: “Vật chứng này chả có giá trị gì nếu đem bán sắt vụn, nhưng nó là thứ gắn với làng chúng tôi, với thế hệ cha tôi nên nhất quyết tôi phải giữ đến cùng”. Anh cũng bày tỏ mong muốn nếu cơ quan chức năng muốn sưu tầm hoặc lập một nhà lưu niệm về chiến khu Bừng thì anh sẵn sàng trao lại vật chứng lịch sử trên.


Một ngôi làng nghèo bỗng thành chiến khu che chở cho bao chiến sĩ cách mạng hoạt động. Những người nông dân vốn chỉ quen chân lấm tay bùn đã vùng đứng lên thành những chiến sĩ tự vệ giải phóng quân quả cảm. Đặc biệt làng chiến khu Bừng còn thành lập hẳn được một đội mà nhiều người ví nó như Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân số 2 (sau đội 1 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập ở Cao Bằng). Đội tự vệ giải phóng quân ấy không chỉ chiến đấu ở làng, xã mà đã tiến xuống giải phóng Phủ Lạng Thương rồi cùng nhau hành quân ra Hà Nội cướp chính quyền ngày 19/8. Rồi có chiến sĩ của đội quân đó như ông Cứ đã vào quân đội và trở thành chiến sĩ cách mạng trường kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)... Tất cả những trang sử hào hùng ấy giờ đây bị vùi vào quên lãng, chưa bao giờ được nhắc đến trong sách giáo khoa lịch sử. Thậm chí những học sinh, thanh thiếu niên ở chính làng Bừng cũng không hề biết về lịch sử quê hương mình. Còn chứng nhân sống, họ đang dần dần mất đi theo thời gian mà chả được bất kỳ một lời nói, hoặc văn bản ghi nhận công lao nào. Quả thực việc đó cần rất cơ quan chức năng các cấp quan tâm và phải làm ngay, nếu vẫn còn để muộn thì quả thực chúng tôi thấy có lỗi với những bậc tiền nhân lắm thay.

 

Chú thích (*)


1. Lương Thế Vinh (1441 - 1496) ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ông là một nhà Toán học lừng danh của Việt Nam thế kỷ XV với các tác phẩm nổi tiếng như Đại thành toán pháp, Khải minh toán học.
2. Trung tướng Lư Giang (tên thật là Lê Bá Ước) 1920 - 1994, nguyên Tư lệnh quân khu Thủ đô.
3. Tên, tuổi, bí danh và chức vụ cao nhất của những cán bộ cách mạng đã hoạt động, chiến đấu ở làng Bừng trước năm 1945.
+ Nguyễn Lương Bằng (1904 - 1979), nguyên Phó Chủ tịch nước VNDCCH và CHXHCNVN (1969 - 1979).
+ Lê Quang Đạo (1921 - 1999), nguyên Chủ tịch Quốc hội, phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước Việt Nam (1987 - 1992).
+ Lê Thanh Nghị (1911 - 1989), nguyên Phó Thủ tướng (1960 - 1981).
+ Nguyễn Thanh Bình (1920 - 2008), nguyên ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Nội thương (1961 - 1966).
+ Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944), nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ trước cách mạng tháng Tám.
+ Hà Thị Quế (1921), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1974 - 1980).


Bài và ảnh: Văn Hải - Nguyễn Hường - Trương Viễn

Chuyện về chiến khu thứ 8 thời tiền khởi nghĩa - Bài 2
Chuyện về chiến khu thứ 8 thời tiền khởi nghĩa - Bài 2

Trong cuộc cánh mạng lịch sử của dân tộc ta 67 năm về trước, Bắc Giang là một trong 4 tỉnh khởi nghĩa và giành chính quyền sớm nhất cả nước. Trong đội quân tiến về tỉnh lỵ mùa thu năm ấy có những chiến sĩ nông dân làng Bừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN