Chương trình viện trợ lương thực của EU dành cho người nghèo có nguy cơ chấm dứt

Sáu nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), gồm Anh, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Thụy Điển vừa quyết định không nối lại chương trình viện trợ lương thực trị giá 500 triệu euro cho người nghèo, vốn đã bị cắt giảm trong 3 quý kể từ tháng 1/2011, đồng nghĩa với việc chương trình viện trợ của EU được thực hiện từ năm 1987 có thể chấm dứt trong vòng 2 năm tới.

Các nhân viên làm việc tại kho của một Ngân hàng thực phẩm dành cho người nghèo ở Strasbourg (Pháp). Ảnh: Internet.


Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp về vấn đề trên, đại diện cấp cao EU phụ trách nông nghiệp Dacian Ciolos nhận xét: Anh, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Thụy Điển “đã tỏ ra hết sức ích kỷ trong một Liên minh châu Âu mà chúng ta đang cần sự đoàn kết”. Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan cho rằng, “nếu chúng ta đoàn kết với các ngân hàng thì chúng ta cũng phải chứng tỏ sự đoàn kết với những người nghèo nhất”. Ông còn cho biết, với tư cách Chủ tịch luân phiên EU, Ba Lan sẽ không từ bỏ kế hoạch này.

Theo đề xuất của Hội đồng châu Âu, chương trình viện trợ của EU dành cho người nghèo lẽ ra sẽ được chi trả từ nguồn ngân sách EU ở mức 500 euro/năm – mức đóng góp này hiện bị giảm xuống còn 113 triệu euro từ ngày 1/1/2011. Hiện nay, phần lớn những khoản viện trợ lương thực đều dựa vào nguồn ngân quỹ trị giá 480 triệu euro để cung cấp các bữa ăn miễn phí cho 18 triệu người nghèo nhất của châu Âu. Năm 2010, các ngân hàng thực phẩm của Liên bang châu Âu đã nhận 51% nguồn thực phẩm từ chương trình này. Một nhà ngoại giao nhận xét: “Họ không muốn giúp người nghèo, chỉ đơn thuần về nguyên tắc đã là sai. Đây là chính sách xã hội chứ không phải nông nghiệp”.

Khi bắt đầu được thực hiện, chương trình này cho phép dùng nguồn lương thực dự trữ để cung cấp các bữa ăn miễn phí cho những người nghèo nhất. Nhưng khi kho lương thực dự trữ giảm dần trong mấy năm qua, phần lớn thực phẩm được mua theo giá thị trường, với việc các nhà chế biến thực phẩm của Pháp được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch này. Đức và các đồng minh cho rằng trên thực tế có sự bao cấp ngầm và hiện không muốn chi trả cho chương trình này nữa.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Ilse Aigner nói: “Chúng tôi không muốn có một chương trình xã hội được hoạch định ở cấp EU. Việc giúp đỡ người nghèo dĩ nhiên là quan trọng, nhưng đây là nghĩa vụ của một quốc gia. Chúng tôi sẽ tài trợ cho chương trình này ở Đức bằng ngân sách riêng của chúng tôi, và chúng tôi nghĩ đó là cách hợp lý”.

Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN