Chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ Tết

Nguy cơ thiếu nguồn cung thực phẩm thịt, trứng cuối năm hoàn toàn có thể xảy ra. Khống chế dịch bệnh, kiểm soát buôn lậu gia cầm và khắc phục thiệt hại do mưa bão là những nỗ lực của ngành chăn nuôi để giải quyết bài toán khó cho thị trường thực phẩm từ nay đến cuối năm.

 

Người chăn nuôi gặp khó

 

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, dịch bệnh liên miên, tình trạng nhập lậu khó kiểm soát đã khiến hoạt động chăn nuôi thời gian qua gặp khó.


 

Thu hoạch trứng tại trang trại chăn nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Lê Văn Hòa, ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 296 xã, 121 huyện, quận thuộc 32 tỉnh, thành phố làm hơn 600.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Đáng ngại là, virút gây bệnh đã có những biến đổi nhất định và chưa có vắcxin phù hợp để tiêm phòng. Dịch tai xanh cũng bùng phát kéo dài làm hơn 135.000 con lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy.


Việc nhập lậu đã và đang gây ra nhiều nguy cơ cho ngành chăn nuôi. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vào thời kỳ cao điểm, lượng gà thải loại nhập qua tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn lên tới 200 - 300 tấn/ngày. Việc nhập lậu tràn lan đã đẩy giá lợn, gà xuất chuồng trong nước xuống thấp. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng 5 - 10% càng khiến người chăn nuôi thêm khó khăn.


Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong bối cảnh hiện nay, nhập lậu khiến giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi. Hiện, giá lợn hơi ở miền Bắc từ 43.000 - 44.000 đồng/kg, ở miền Nam 39.000 - 40.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp ở miền Bắc 29.000 - 30.000 đồng/kg, miền Nam 25.000 - 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình người nông dân lỗ 1.000 - 3.000 đồng/kg lợn và 2.000 - 4.000 đồng/kg gà.


“Từ khoảng tháng 6 đến nay, giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành nên người chăn nuôi bị thiệt hại nhiều, không ít gia đình, trang trại bỏ trống chuồng. Nhập lậu cũng làm lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm”, ông Trọng nói thêm.


Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, tình hình lũ lụt thời gian qua đã gây không ít thiệt hại tới ngành chăn nuôi. Cùng với tình trạng sụt giảm về số lượng, khá nhiều chuồng trại chăn nuôi và trang trại còn bị hư hỏng, còn nguồn thức ăn và nước sạch cho đàn gia súc gia cầm thì không bảo đảm.

 

Nỗ lực để ổn định


Khắc phục thiệt hại, kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn nhập lậu nhằm đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong những tháng cuối năm là mục tiêu của ngành chăn nuôi trong thời điểm này.


Trong đó, kế hoạch khôi phục sản xuất chăn nuôi sau đợt lũ tháng 10 đã và đang được các địa phương triển khai. Cục Chăn nuôi có văn bản chỉ đạo chung các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi có giải pháp hỗ trợ thức ăn cho các tỉnh miền Trung; Sở NN&PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong địa bàn tăng cường năng lực sản xuất và cung ứng đủ nguồn thức ăn tinh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhà nước hỗ trợ về giống để triển khai trồng ngô dày, cỏ và các loại cây xanh có khả năng phục hồi nhanh nhất làm thức ăn chăn nuôi.


Chủ động cung ứng giống cho sản xuất cũng là một ưu tiên trong thời gian tới. Cũng theo Cục Chăn nuôi, trong tháng 11/2010, các đơn vị thuộc Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Trung tâm giống của tỉnh và các doanh nghiệp tập trung lo sản xuất và cung ứng giống vật nuôi cho sản xuất, nhất là giống lợn và gia cầm. Trên cơ sở nhu cầu về con giống, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể đề xuất với các cơ sở giống để chủ động kế hoạch cung ứng giống cho các địa phương. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao lưu ý, giống gia cầm nên lấy tập trung ở các trại giống của tỉnh hoặc các cơ sở giống thuộc hệ thống khuyến nông. Giống lợn, trâu bò nên chọn phương án cân đối nguồn giống tại chỗ. Trong trường hợp phải điều chuyển giống từ nơi khác đến cần chú ý kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng dịch.


Bên cạnh đó, công tác kiểm soát nhập lậu gia cầm cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Theo ông Nguyễn Đức Trọng, để kiểm soát được thì không thể một địa phương hay một cơ quan, ban, ngành nào mà phải có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương. Trong đó, những địa phương là nơi tập kết sản phẩm về và các địa phương vùng biên giới, cửa khẩu là những “địa chỉ” phải kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, gia cầm nhập lậu được đưa về trong nước chủ yếu qua hai cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn) và một số cửa khẩu khác. Bên cạnh đó cũng phải sớm có quy định chặt chẽ về chất lượng, thời hạn sử dụng của các mặt hàng gia cầm đông lạnh nhập chính ngạch.


“Phải kiểm soát được nhập lậu, đồng thời khuyến cáo sử dụng con giống có nguồn gốc, song song với việc xem xét thận trọng các yếu tố môi trường, sức khỏe, dịch bệnh... Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng chăn nuôi như vừa rồi sẽ đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt lưu ý tập trung vào gia cầm vì đây là sản phẩm chăn nuôi quay vòng nhanh nhất, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình, đáp ứng được tức thời với mô hình hộ chăn nuôi nhỏ, quy mô vừa...”, ông Trọng nhấn mạnh.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN