Chủ động dập dịch cúm A/H5N1 - Nguy cơ bùng phát

Các chuyên gia y tế lo ngại ngoài nguy cơ nhiễm dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc thì Việt Nam còn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 trong thời gian tới.


Nguy cơ bùng phát


Tỷ lệ nhiễm virút cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, thủy cầm ở trong nước rất cao. Nguy cơ dịch bệnh này lây lan từ Campuchia vào nước ta là rất lớn vì hiện giờ tình trạng buôn lậu gia cầm vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Trong khi đó, ngay ở vùng có ổ dịch cúm, người dân vẫn mua và ăn gia cầm ốm chết…

“Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên tử vong trong năm 2013, đó là một cháu bé 4 tuổi ở huyện Cao Lãnh. Nguyên nhân, bà ngoại của cháu mua gà ốm về ăn dù trước đó ông ngoại của bé đã ngăn cản không cho giết mổ”, TS Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng, tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Cán bộ thú y tiến hành tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.Ảnh: Kim Há - TTXVN

 
Điều đáng nói là trước đó, năm 2005, trong gia đình có cháu bé mới tử vong này cũng đã có 2 ca tử vong do nhiễm virút cúm A/H5N1 (bà trẻ và cô họ của cháu bé này). Lý do cũng vì gia đình này mổ gà ốm, nhiễm cúm A/H5N1 mà hàng xóm cho.


TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

“Tuyệt đối không sử dụng thịt gia cầm chưa nấu chín”

Virút cúm gia cầm sẽ bị tiêu diệt khi được nấu chín. Do đó, người dân cần “ăn chín, uống sôi”, tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, không nên ăn tiết canh ngan, vịt và cả chim sẻ dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người. Đặc biệt, khi virút cúm A/H5N1 đã lưu hành trong gia cầm, thủy cầm và cả các đàn chim (chim yến tại Ninh Thuận, chim trĩ tại Tiền Giang) thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao đối với thực phẩm chưa được nấu chín. Hiện nay, vẫn chưa phát hiện đường lây truyền của virút cúm A/H7N9 nhưng cũng đã phát hiện virút này có nguồn gen từ gia cầm. Do đó, nếu người dân mất cảnh giác, cố tình ăn những thực phẩm chế biến từ gia cầm chưa được nấu chín thì nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 là rất cao. Để chủ động phòng dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, người dân cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc như: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi; đeo khẩu trang khi tiếp xúc gia cầm sống, khi giết mổ gia cầm; không sử dụng thịt, sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh… Nếu đang ở vùng có dịch cúm trên gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm ốm, chết mà có những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột, đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, khó thở, tím tái nhanh… thì người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Từ năm 2003 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận 124 ca nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 62 ca tử vong (tương đương 50%). Riêng trong 2 năm 2004 và 2005, số ca tử vong/mắc do nhiễm cúm A/H5N1 đạt “đỉnh” với 39/90 ca.

Theo TS Ấn, dù vừa qua tỉnh Đồng Tháp đã có ca tử vong do cúm A/H5N1 và virút cúm A/H5N1 vẫn thường xuyên lưu hành trên đàn gia cầm nhưng người dân nơi đây vẫn rất lơ là với dịch bệnh này. Nhiều người vẫn vô tư mổ gia cầm ốm, chết làm thức ăn. Có người khi thấy gà, vịt có biểu hiện mắc bệnh vẫn không báo cho cơ quan chức năng, thậm chí họ còn vứt thẳng ra kênh, mương, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.


Hiện nay, việc triển khai tiêm vắcxin cho đàn gia cầm, thủy cầm tại Đồng Tháp cũng gặp không ít khó khăn do người dân thường có thói quen nuôi gà, vịt thả rông; số lượng gia cầm, thủy cầm được nuôi thả lớn nhưng một số chủ trang trại không muốn tiêm vắcxin cho đàn gia cầm, thủy cầm của mình… Do đó, dù tỷ lệ gia cầm nhiễm virút cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp tới 5 - 10% nhưng chỉ có khoảng 40% số gia cầm của toàn tỉnh được tiêm vắcxin phòng bệnh.

Trong khi đó mới đây, virút cúm A/H5N1 đã được phát hiện trên cả chim yến, chim trĩ; và Đồng Tháp cũng là địa phương có nhiều loài chim di cư nên khả năng lây lan virút cúm A/H5N1 từ gia cầm sang chim hoang dã rồi lây sang người là rất cao. Đó là chưa kể Đồng Tháp còn là tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, một nơi mà dịch cúm A/H5N1 “nóng” suốt từ đầu năm tới nay với khoảng 10 ca nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 8 ca tử vong…


Theo nhận định của các chuyên y tế và thú y, không chỉ riêng Đồng Tháp mà tại nhiều tỉnh, thành khác cũng có nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1. Trên thực tế, các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, thủy cầm và đàn chim vẫn xảy ra rải rác. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để ổ dịch cúm A/H5N1 ở trên các đàn chim là rất khó khăn. Đặc biệt, việc nhiều gia cầm, thủy cầm nhiễm virút nhưng không hề có biểu hiện bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phòng, chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.


Kết quả giám sát của Cục Thú y tại hơn 30 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện có hơn 66% tỉnh/thành phố có virút cúm A/H5N1 lưu hành trên đàn gia súc, gia cầm (bán tại các chợ) nhưng không hề có biểu hiện bệnh. Đây là một thực tế rất đáng báo động bởi dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vậy nên, biện pháp phòng dịch tốt nhất hiện nay là chủ động kiểm soát dịch cúm trên gia cầm, không có dịch trên gia cầm thì sẽ không có dịch trên người.

Phương Liên

Tăng cường phòng, chống dịch trên đàn gia cầm

Theo TS Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT): “Để chủ động phòng dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, Bộ NN& PTNT đã tổ chức mua dự phòng 40 triệu liều vắcxin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp cho đàn gia cầm khi có dịch xảy ra...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN