Chính phủ tạm quyền Libya từ chức

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 28/8, Thủ tướng tạm quyền Libya Abdullah al-Thinni cùng toàn bộ Nội các đã tuyên bố từ chức, để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 6 vừa qua.

Ông al-Thinni là 1 trong 5 ứng cử viên cho vị trí thủ tướng. Ảnh: THX/TTXVN


Trong một tuyên bố, Nội các Libya cho biết đã từ chức theo quy định của Hiến pháp, nhằm cho phép Quốc hội thành lập chính phủ đại diện cho tất cả các thành phần xã hội. Một nghị sĩ nhấn mạnh, đây là một thủ tục thông thường, đồng thời khẳng định không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa Quốc hội và Thủ tướng Abdullah al-Thinni.

Cũng trong ngày 28/8, Quốc hội Libya đã công bố tên 5 ứng cử viên cho vị trí thủ tướng. Ngoài ông al-Thinni, người được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 3 vừa qua, danh sách này còn có cựu Bộ trưởng Nội vụ Ashur Shwuail từng tham gia chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Ali Zeidan, nghị sĩ quốc hội Ali Al-Tikbali, Đại sứ Libya tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Aref Al-Nayed và nhà hoạt động xã hội Omar Al-Habbasi. Các nhân vật này đều có lập trường chống phe Hồi giáo.

Cùng ngày, ông Omar Hassi, người được Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm do phe Hồi giáo kiểm soát) chỉ định làm Thủ tướng, đã lựa chọn 7 ứng cử viên tham gia nội các của mình. Tuy nhiên, hiện cả GNC và Omar Hassi đều không được quốc tế công nhận. Nhiều khả năng người đứng đầu GNC và các thủ lĩnh khác của liên minh Hồi giáo sẽ bị liệt trong danh sách trừng phạt quốc tế.

Trong một diễn biến khác, các nguồn tin khu vực cho biết Ai Cập sẽ đứng đầu một liên minh quốc tế đặt dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Arab (AL) nhằm nỗ lực bình ổn Libya. Liên minh này có thể tiến hành các chiến dịch tấn công quân sự nếu được Quốc hội Libya đề nghị. Dự kiến, đề xuất này sẽ được Chính phủ Ai Cập đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 25/9 tới.

Libya đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt, thậm chí rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu trong bối cảnh cùng tồn tại 2 quốc hội và 2 thủ tướng. Từ giữa tháng 7 vừa qua, đụng độ leo thang tại Thủ đô Tripoli và thành phố cảng Benghazi ở miền Đông giữa các liên minh đối địch đã khiến hàng hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn người nước ngoài phải sơ tán về nước. Giao tranh ác liệt tại Tripoli khiến cả Quốc hội mới và Chính phủ phải chuyển trụ sở về thị trấn Tobruk gần biên giới với Ai Cập.


TTG
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN