Chiến sự bùng phát ở miền đông Ukraine

Tiến trình giải quyết xung đột ở đông - nam Ukraine theo tinh thần thỏa thuận Minsk đang đứng trước những thách thức thực sự, khi xung đột có dấu hiệu leo thang mạnh nhất kể từ ngày ký thỏa thuận 5/9.

Pháo kích dữ dội

Hãng tin BBC (Anh) đưa tin: Chiến sự tại Donetsk bùng phát trở lại, với các cuộc pháo kích dữ dội nhất được ghi nhận trong vòng một tháng qua. Giao tranh nổ ra từ tối 8/11 và kéo dài trong khoảng 8 giờ đồng hồ, với nhiều loạt đấu pháo được bắn đi từ những địa điểm do quân đội chính phủ và lực lượng ly khai kiểm soát.

Một nhà máy bị phá hủy do pháo kích ở miền đông Ukraine.  Ảnh: Reuters


Động thái leo thang xung đột này diễn ra đúng tại thời điểm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bày tỏ quan ngại về tình hình theo chiều hướng xấu đi ở Ukraine. Tổng thống Thụy Sỹ Didier Burkhalter, hiện là Chủ tịch OSCE, cho biết xung đột bùng phát trở lại ở khu vực đông - nam Ukraine cùng với các diễn biến khác có thể hủy hoại nỗ lực ổn định tình hình tại đây.

Ngày 8/11, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cảnh báo trong một bài phát biểu tại Berlin rằng căng thẳng Đông-Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đang có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, 25 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Ông Gorbachev cũng chỉ trích chính sách của các nước Phương Tây sau năm 1989. Theo ông, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã không thực hiện các lời hứa của họ sau năm 1989 và những sự kiện xảy ra thời gian qua chính là hậu quả của những "chính sách thiển cận", phớt lờ lợi ích của các nước đối tác.

Bất ổn ở miền đông Ukraine có dấu hiệu “nóng” trở lại ngay sau khi có kết quả chính thức về các cuộc bầu cử ở nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng. Chính quyền Ukraine đã tăng cường lực lượng, vũ khí hạng nặng đến sát khu vực ngoại ô ở Donetsk hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai; cáo buộc Nga đưa quân, vũ khí vượt biên giới sang Ukraine.

Hãng tin RIA Novosti ngày 9/11 đưa tin, phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE tại Ukraine đã ghi nhận một đoàn xe tăng và vũ khí hạng nặng xuất hiện ở một địa điểm tại Donetsk. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng không hề có sự hiện diện của binh lính Nga ở miền đông Ukraine và điều này đã được phía Mỹ xác nhận.

Nga, Mỹ tìm tiếng nói chung

Liên quan đến tình hình miền đông Ukraine, phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh hôm 8/11 sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Lavrov nói rằng Nga hoan nghênh Mỹ tham gia giúp giải quyết khủng hoảng ở Ukraine. Ông Lavrov nhìn nhận, quan điểm của Nga và Mỹ có sự khác biệt, nhưng nếu Mỹ thực sự muốn đóng góp vào tiến trình hòa giải và thiết lập đối thoại giữa chính quyền Kiev và quân ly khai ở miền đông thì đó sẽ là “một bước đi đúng hướng”. Về phần mình, ông Kerry bày tỏ hy vọng thỏa thuận Minsk về ngừng bắn ở miền đông Ukraine sẽ vẫn được các bên tuân thủ. Ông cũng thông báo Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ thông tin về tình hình ở đông -nam Ukraine cũng như các cuộc đối thoại song phương.

Cả Ngoại trưởng Nga và Mỹ đều cho biết chưa có kế hoạch tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức ở Bắc Kinh, song cả hai bên đều không loại trừ khả năng hai nhà lãnh đạo này sẽ nói chuyện không chính thức bên lề hội nghị.

Hoài Thanh



Cuộc chiến khí đốt EU, Ukraine và Nga đến hồi kết?
Cuộc chiến khí đốt EU, Ukraine và Nga đến hồi kết?

Thỏa thuận khí đốt mùa Đông tuy là nền tảng cho giai đoạn mới trong mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU)-Nga và đại diện của Ủy ban châu Âu có thể gọi đó là “bước đột phá”, nhưng nó không có gì khác hơn là "sự đầu hàng" của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN