Chỉ cần rửa xà phòng là không sợ lây bệnh phong

Ngay cả khi chăm sóc người bị bệnh phong nặng, không may tay bị vết xước thì cũng chỉ cần rửa tay bằng xà phòng là không sợ lây.

Việc cản trở xây khu tái định cư cho người có tiền sử bệnh phong ở làng Vân, thành phố Đà Nẵng cho thấy trong xã hội vẫn tồn tại những suy nghĩ lệch lạc về bệnh phong. Trên thế giới có gần 800.000 trường hợp mắc bệnh phong,  trong đó Việt Nam có khoảng 3.500 người. Đây là bệnh nhiễm khuẩn hệ thống mạn tính do trực khuẩn phong gây ra.

Xà phòng diệt vi khuẩn phong

Với kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, ông Nguyễn Sỹ Hóa, Phó viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia, khẳng định bệnh phong là bệnh dễ điều trị, rất khó lây nhiễm. Những lời đồn thổi “chỉ cần đụng vào người mắc phong sẽ bị nhiễm bệnh” là hoàn toàn lệch lạc. Minh chứng là nhiều nữ tu, thầy thuốc, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân phong suốt đời mà không bị lây bệnh.


Bác sĩ Viện da liễu Quốc gia khám cho người mắc phong tại Tuyên Quang.



Theo ông Hóa, việc lây chỉ xảy ra với những người có sức đề kháng yếu và tiếp xúc trường kỳ với người mắc phong. Hơn nữa, nếu người mắc phong được phát hiện và được uống thuốc kháng sinh thì ngay lập tức vi khuẩn gây bệnh đã chuyển sang dạng hạt và không còn khả năng lây bệnh nữa. “Do đó, việc kỳ thị phân biệt đối xử với người có tiểu sử bị bệnh phong là sai lầm và lỗi thời”, ông Hóa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho hay bệnh viện đang điều trị cho 70 người mắc phong nặng, còn những trường hợp ít tổn thương, không có phản ứng phong thì không cần nhập viện mà được phép điều trị tại nhà. Khi đó, dù người thân, hàng xóm xung quanh có tiếp xúc thường xuyên những người này cũng không có khả năng bị lây bệnh.

“Ngay cả khi chăm sóc cho bệnh nhân phong nặng, chẳng may tay có vết xước chỉ cần rửa tay bằng xà phòng là đã loại hết vi khuẩn phong xâm nhập, không sợ bị nhiễm bệnh”, ông Tân nói.

Sẽ xóa sổ bệnh phong

Theo tiến sĩ Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trước đây bệnh phong được coi là một trong tứ chứng nan y, không điều trị được và tỷ lệ lây lan mạnh. Nhưng đó là câu chuyện lịch sử. Bây giờ y học hiện đại đã chữa được và chứng minh được đây không phải là bệnh nan y.

Tiến sĩ Kính cho biết thêm, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nước có tỷ lệ lưu hành bệnh phong 1/10.000 người dân là đã đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong, Việt Nam đã đạt được tiêu chí này. Dự kiến, đến năm 2015 Việt Nam sẽ loại trừ bệnh phong trên phạm vi cả nước và thanh toán hoàn toàn căn bệnh này vào năm 2030.

“Hiện với người đã chữa khỏi bệnh phong thì việc tái hòa nhập cộng đồng là hết sức cần thiết và đúng đắn. Đừng để người có tiểu sử bệnh phải chịu những thêm những nỗi đau kéo dài do thiếu hiểu biết”,  tiến sĩ Lý Ngọc Kính cho hay.

“Hiện bệnh phong đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Do đó, người khỏi bệnh không thể gọi là bệnh nhân phong nữa. Việc một số người dân ở Đà Nẵng phản đối không cho xây dựng khu tái định cư cho người có tiền sử bệnh phong là vô lý, thiếu hiểu biết và vô lương tâm”, ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, nói.

Theo báo Đất Việt
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN