Cắt dạ dày thành ống để chữa bệnh béo phì

“Bệnh viện Việt Đức đã triển khai phương pháp mới trong điều trị bệnh béo phì, đó là phẫu thuật tạo dạ dày hình ống đứng. Trong tháng 5, một bệnh nhân béo phì nặng 115 kg đã được điều trị bằng phương pháp này. Hiện nay, rất nhiều người mắc bệnh béo phì quan tâm và có mong muốn được phẫu thuật”, PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho hay.

“Trong số các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh béo phì thì có hai cách được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đó là: Đặt vòng để làm hẹp bớt dạ dày lại (hay gọi là phẫu thuật đặt đai chữa béo phì); và phương pháp cắt dạ dày để tạo thành ống hay còn gọi là phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng”, PGS.TS Trần Bình Giang giới thiệu.

Sở dĩ, Bệnh viện (BV) Việt Đức chọn triển khai hai phương pháp nêu trên do phù hợp với bệnh lý béo phì ở Việt Nam. Đây cũng là hai phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, đạt hiệu quả cao.

Công thức tính Chỉ số khối cơ thể (BMI): BMI=W/(H)2 (W là khối lượng của một người (tính bằng kg), H là chiều cao (m)

Từ năm 2007 đến nay, BV Việt Đức đã áp dụng phương pháp phẫu thuật đặt đai chữa béo phì cho khoảng 70 bệnh nhân (nặng trung bình khoảng 103 kg) . Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là bệnh nhân sẽ không phải phẫu thuật cắt đường tiêu hóa mà chỉ cần đặt một đai giảm béo (có thể điều chỉnh được và tháo đai ra khi cần). Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một nhược điểm, đó là sau khi đặt đai giảm béo, bệnh nhân phải tuân thủ một chế độ sinh hoạt khá khắt khe, tuân thủ một chế độ dinh dưỡng đặc biệt với số lượng ít, đúng thời gian… ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh, nhất là dịp sinh nhật, lễ, tết… Do đó, các chuyên gia ngoại khoa của BV Việt Đức đã tìm hiểu và triển khai một phương pháp khác để điều trị căn bệnh này.

Bệnh viện Việt Đức triển khai phương pháp giảm béo bằng phương pháp tạo dạ dày hình ống đứng. Ảnh:  TTXVN


“Phương pháp điều trị béo phì bằng phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng, tức là cắt một phần dạ dày (phần phình to), để phần còn lại giống như một ống đứng. Khi đó, lượng thức ăn cần đưa vào cơ thể sẽ ít hơn và cũng phù hợp hơn với chế độ sinh hoạt của người bệnh. Khi tạo hình dạ dày ống đứng thì hiệu quả điều trị cho bệnh nhân giảm béo nhanh hơn 10 lần so với điều trị nội khoa”, PGS.TS Trần Bình Giang khẳng định.

Ngay sau khi triển khai phương pháp phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng cho một bệnh nhân hồi tháng 5/2011, BV Việt Đức nhận được rất nhiều cuộc gọi hoặc bệnh nhân trực tiếp tới BV để yêu cầu được phẫu thuật theo phương pháp mới.

“Chúng tôi từ chối mọi lời đề nghị phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng vì mục đích thẩm mỹ, làm đẹp. Phương pháp điều trị này chỉ áp dụng cho những bệnh nhân béo phì, cần điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh do những biến chứng của bệnh béo phì gây ra”, PGS.TS Trần Bình Giang cho hay.

Phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng dù sao cũng là một phương pháp phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào cơ thể của người bệnh thông qua việc gây mê, mổ xẻ, thuốc men… Và bất kỳ một phương pháp điều trị nào cũng có những nguy cơ biến chứng nhất định, do đó chỉ khi nào bị béo phì tới mức bệnh lý, cần điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh do bệnh béo phì gây ra thì mới áp dụng phương pháp điều trị bằng phẫu thuật. PGS.TS Trần Bình Giang cho biết: “Theo khuyến cáo của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới thì người châu Á được phẫu thuật điều trị bệnh béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên. “Nếu chỉ số BMI thấp hơn, tương đương mức 27,5 trở lên nhưng không thể giảm cân bằng các phương pháp khác từ 6 tháng- 1 năm hoặc có một trong những bệnh lý như cao huyết áp, đái đường, đau khớp, bệnh lý hô hấp… thì cũng được chỉ định mổ phẫu thuật điều trị, tránh những biến chứng của béo phì”.

Khi bệnh nhân béo phì có đầy đủ các yếu tố chỉ định phẫu thuật thì sẽ được cán bộ y tế BV Việt Đức hướng dẫn các thủ tục làm hồ sơ xét nghiệm, kiểm tra cơ thể (có thể trong một buổi sáng). Bệnh nhân sẽ nhập viện vào buổi chiều hôm trước, trước khi mổ.

“Chế độ viện phí đối với bệnh nhân điều trị béo phì bằng phương pháp này về cơ bản cũng tương tự như các bệnh nhân phẫu thuật dạ dày khác. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân này do phải sử dụng một số phương tiện đặc biệt khác nên chi phí có cao hơn”, PGS.TS Trần Bình Giang “bật mí”. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được áp dụng chế độ ăn như bệnh nhân cắt dạ dày, sau đó dần dần trở lại chế độ ăn bình thường (sau khoảng 3 tháng). Lúc này, do dạ dày của bệnh nhân đã thu hẹp nên nhu cầu và khẩu phần ăn bệnh nhân giảm đi nhiều so với trước phẫu thuật. Vì vậy, bệnh nhân sẽ đạt được hiệu quả giảm cân mà không ảnh hưởng gì tới chế độ sinh hoạt hàng ngày.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN