Cảnh báo lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ

Do đang là thời điểm chuyển mùa, độ ẩm trong không khí cao, mưa nắng thất thường… nên trẻ em rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, hen phế quản, amidan... kèm sốt. Thế nhưng, thay vì đưa con đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, nhiều bậc cha mẹ ở Nghệ An đã tự ý mua các loại thuốc kháng sinh hoặc theo các đơn thuốc ở các phòng khám tư để điều trị cho trẻ. Điều này, vô hình trung đã dẫn đến nguy cơ gia tăng kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt hơn có thể dẫn tới tình trạng tử vong cho trẻ.

Ngày 30/8/2014, khi thấy con là Nông Thị Kim Trà (12 tuổi) ở bản Poòng, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp có hiện tượng cảm sốt, mẹ của cháu Trà đã ra hiệu thuốc mua liều thuốc cảm tổng hợp về cho cháu uống hạ sốt. Sau khi uống thuốc, toàn thân cháu có hiện tượng tím, miệng viêm loét chảy nước dãi, trên da nổi chi chít các mụn nước, bong nước, mắt trũng sâu, mệt lờ đờ. Gia đình vội đưa cháu đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ở đây đã chẩn đoán: Cháu Trà bị thuỷ đậu chưa loại trừ dị ứng phối hợp. Nói cách khác, cháu Trà bị hội chứng Lyell (dị ứng với thuốc kháng sinh). Điều trị ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An được 10 ngày, bệnh của cháu vẫn không thuyên giảm được nhiều, Bệnh viện đã chuyển cháu Trà ra Trung tâm Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Tại đây bác sĩ cũng kết luận cháu Trà bị hội chứng Lyell như kết quả của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Thay vì đưa con đến cơ sở y tế, nhiều bậc cha mẹ tự ý mua các loại thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ.



“Khi thấy cháu bị cảm sốt, tôi cứ nghĩ mua thuốc cho cháu uống là khỏi chứ không biết cơ địa của cháu dị ứng với thuốc kháng sinh. Sau khi được các bác sĩ ở Trung tâm Dị ứng điều trị, cháu Trà cũng đã dần hồi phục, các nốt mẩn đỏ không còn mà đã bong nước, giờ đang quá trình tái tạo da. Sau sự việc này, tôi thấy rất sợ khi tự ý mua thuốc mà không thăm khám hay có sự chỉ dẫn của bác sĩ”- mẹ cháu Trà bày tỏ.

Hiện nay, nhận thức của một số người dân cũng như người bán thuốc, đặc biệt là ở vùng nông thôn Nghệ An còn thấp. Một thực tế lâu nay vẫn diễn ra ở Nghệ An, nhiều gia đình tự ý đi mua thuốc nên nhiều hiệu thuốc cũng tự ý bán nhiều loại thuốc mà không cần có đơn thuốc của bác sĩ, đặc biệt là các đơn thuốc kê kháng sinh. Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin.

“Hễ có hiện tượng cảm cúm là người dân lại đi mua thuốc cảm tổng hợp. Nhiều người không biết rằng, có những loại bệnh chỉ dùng từ 1 đến 2 loại thuốc là có thể khỏi. Trong khi đó, liều cảm tổng hợp chứa rất nhiều loại thuốc hỗn hợp có thể dẫn đến phát sinh nhiều loại bệnh khác, nguy hại đến tính mạng của trẻ” - bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết.

Cũng theo bác sĩ Cương, việc người dân tự ý mua thuốc, đặc biệt là lạm dụng thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến cơ thể đứa trẻ đang phát triển. Khi hệ xương sụn của trẻ đang phát triển, nhiều cha mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc trong đó có nhóm kháng sinh Quinolon, rất nguy hiểm. Chỉ trong những trường hợp bất khả kháng phải chọn lựa giữa sự sống và cái chết, các bác sĩ mới chỉ định có nên dùng loại thuốc này hay không. Ngoài ra còn có nhóm thuốc kháng sinh Aminoglicosid có ảnh hưởng đến tai và thận của trẻ. Rất nhiều loại thuốc kháng sinh chống chỉ định cho trẻ dưới 6 tháng tuổi và dưới 2 tuổi nhưng nhiều người dân không biết được và vẫn “vô tư” mua về cho trẻ uống.

Việc mua thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ cũng dễ dẫn đến tình trạng cha mẹ cho con uống thuốc không đúng liều lượng hoặc quá liều lượng. “Hàng năm, Bệnh viện Sản Nhi tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhi dùng thuốc tự ý hoặc dùng thuốc theo đơn nhưng không theo hướng dẫn cụ thể trong tình trạng độc tính đến gan, thận. Đa số trẻ nhỏ dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định hoặc dùng quá liều lượng đã chuyển hoá tại gan và thải trừ ra thận. Nhiều trường hợp đến khám và điều trị kịp thời thì còn giữ được tính mạng. Thế nhưng cũng không loại trừ có trường hợp khi chuyển ra tuyến trên đã dẫn đến suy gan, suy thận cấp độ quá nặng và tử vong”- bác sĩ Cương cho biết thêm.


Hơn một tuần trở lại đây, do thời tiết giao mùa nên số bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng đột biến; đến sáng 30/9 đã có 700 bệnh nhi điều trị nội trú tại bệnh viện. Tại hàng lang, phòng chờ, nơi làm thủ tục khám chữa bệnh của bệnh viện đều chật kín người. Để đáp ứng và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiến hành nhiều giải pháp như kê thêm giường bệnh, tăng lượng thuốc dự phòng trong cấp cứu và tăng số cán bộ y tế tại mỗi ca trực.

Bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Thời tiết giao mùa thay đổi đột ngột, các bậc cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, nếu thấy trẻ sốt cao, khóc khi bú hoặc thở nhanh, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Đặc biệt, khi phát hiện thấy trẻ có biểu hiện bất thường, không nên tự ý mua thuốc điều trị mà phải đưa con đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh. Cha mẹ nên cho con uống thuốc theo đơn, đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định và theo dõi phản ứng của trẻ sau khi uống thuốc.


Bích Huệ (TTXVN)
Cảnh báo về sử dụng thuốc kháng sinh
Cảnh báo về sử dụng thuốc kháng sinh

Sử dụng kháng sinh clarithromicyn để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn có thể dẫn tới nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 76% so với việc sử dụng penicillin V. Clarithromycin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN