Căng thẳng leo thang tại biên giới Thái Lan – Campuchia

Xung đột ở khu vực biên giới tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia gần ngôi đền Preah Vihear ngày 7/2 đã bước sang ngày thứ 4 mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hậu quả là đã có ít nhất 6 người chết, hàng chục người thương vong và hàng ngàn người dân phải đi sơ tán.

Trong 4 ngày, binh lính hai bên đã đụng độ 5 lần và đều sử dụng những vũ khí hạng nặng như tên lửa, súng tự động, pháo và súng cối. Theo Tân Hoa Xã, cả Campuchia và Thái Lan đều buộc tội nhau khai hỏa trước.


Lần đụng độ mới nhất diễn ra lúc 8 giờ 10 phút sáng 7/2 (giờ địa phương) ở khu vực Tasem và kéo dài 1 giờ đồng hồ. Vụ đụng độ này chỉ kết thúc sau khi hai bên thỏa thuận được một lệnh ngừng bắn không chính thức.

Binh lính và xe tăng của Campuchia tại khu vực đền Preah Vihear, giáp biên giới với Thái Lan. Ảnh: AFP – TTXVN


Theo các quan chức Campuchia, vụ quân đội Thái Lan nã pháo hôm 6/2 đã làm sập một phần khu vực đền Preah Vihear. Mức độ hư hại ngôi đền vẫn chưa rõ vì khu vực quanh đền rất nguy hiểm và chưa thể tiếp cận được. Tuy nhiên, phía Thái Lan không thừa nhận thông tin này.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cảnh báo giao tranh giữa hai bên đang đe dọa ổn định trong khu vực. Theo ông Hun Sen, vụ đụng độ xảy ra sau khi quân Thái Lan dùng xe ủi đất mở đường về phía chùa Keo Sikha Kiri Svarak gần đền Preah Vihear hôm 4/2. Ông cho biết, tình hình đang ngày một xấu đi và hai bên không còn lắng nghe nhau nữa. Trước đó, ông Hun Sen đã gửi thư đến HĐBA LHQ kêu gọi họp khẩn cấp về vấn đề hiện nay giữa Campuchia và Thái Lan.

Ngày 7/2, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan cũng đã gửi thư tới HĐBA để chính thức phản đối lại "hành động tấn công có vũ trang xảy ra liên tục và vô cớ của quân đội Campuchia". Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban cho biết, chính phủ nước này hi vọng đàm phán hòa bình với Campuchia.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Campuchia cho biết, căng thẳng biên giới không chỉ giới hạn ở khu vực Preah Vihear mà còn lan sang khu vực viên giới thuộc tỉnh Oddar Meanchey.


Trung tướng Lam Sam Roeun, Tư lệnh lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) đóng tại cửa khẩu O’Smach (tỉnh Oddar Meanchey), cho biết quân đội Thái Lan đã tăng thêm quân tới khu vực biên giới này trong hai ngày 5 và 6/2 và số quân Thái Lan hiện nay lên tới 700 người. Theo tướng Lam Sam Roeun, tình hình khu vực này căng thẳng hơn nhưng chưa xảy ra nổ súng.

Trước tình hình nóng bỏng giữa hai quốc gia Campuchia và Thái Lan, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế. Từ văn phòng tại New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" và kêu gọi cả hai bên thực hiện các thỏa thuận có hiệu lực về chấm dứt xung đột và kiềm chế tối đa.

Trong khi đó, ngày 7/2, Chủ tịch ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Inđônêxia Marty Natalegawa, đã đến Campuchia trong chuyến thăm 2 ngày với mục đích trung gian hòa giải tình hình căng thẳng biên giới hiện nay giữa Campuchia và Thái Lan.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết, ông Marty Natalegawa sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Hor Nam Hong và gặp Thủ tướng Hun Sen để hiểu rõ hơn về tình hình hiện nay trên biên giới chung Campuchia và Thái Lan sau các cuộc đấu súng mới đây giữa quân đội hai nước.

Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho rằng việc mời các nước thành viên khác của ASEAN đến can thiệp là không cần thiết.


Thủ tướng Abhisit cho biết, ngoại trưởng của hai nước đã thương lượng với nhau trong khuôn khổ của hiệp định khung do Ủy ban biên giới hỗn hợp Thái Lan-Campuchia đề ra. Tuy vậy, ông khẳng định Thái Lan sẽ không rút quân ra khỏi các khu vực gần biên giới theo yêu cầu của phía Campuchia.

Ngày 7/2/2011, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột xảy ra trong những ngày vừa qua tại khu vực đền Preah Vihear trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: "Cũng là thành viên của ASEAN, Việt Nam lo ngại sâu sắc về xung đột tại khu vực đền Preah Vihear trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Việt Nam kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh để sự việc diễn biến phức tạp, giải quyết vấn đề thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới".


Hữu Hả - Ngọc Tiến - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN