Bán đảo Triều Tiên:

Căng thẳng giữa hai miền sẽ đi về đâu?

Sau vụ giao tranh bằng đạn pháo trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng tiếp tục leo thang trong ngày 24/11 khi CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không ngừng cảnh cáo lẫn nhau.

Hàn Quốc khẳng định sẽ trả đũa quyết liệt nếu Triều Tiên dám tấn công lần nữa, đồng thời cho biết sẽ tăng cường lực lượng quân sự ở vùng biển tranh chấp phía tây gần đảo Yeonpyeong. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim Tae-young, khẳng định: “Hàn Quốc sẵn sàng về mặt quân sự để ngăn cản các hành động khiêu chiến tiếp theo của Triều Tiên”. Nước này cũng đã nâng mức báo động từ Watchcon 3 lên Watchcon 2.

Lính cứu hỏa Hàn Quốc thu dọn đống đổ nát ở một khu dân cư trên đảo Yeonpyeong do bị trúng đạn pháo của Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp vụ giao tranh gây căng thẳng cho bán đảo Triều Tiên và đe dọa ổn định khu vực, Hàn Quốc thông báo vẫn tiếp tục tập trận như đã dự kiến ở biển Hoàng Hải. Trong một động thái chứng minh cam kết "vai sát vai" với Hàn Quốc, Mỹ đã cử tàu sân bay USS George Washington tới vùng biển của nước này, mang theo 75 máy bay chiến đấu cùng 6.000 quân để tham gia tập trận chung. Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn tuyên bố của Lực lượng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc (USFK) nói rằng, mặc dù kế hoạch của cuộc tập trận này đã được xây dựng trước vụ giao tranh, nhưng nó cũng góp phần thể hiện sức mạnh của đồng minh Hàn - Mỹ và cho thấy rõ cam kết của Oasinhtơn đối với Xơun. Ngoài ra, cuộc tập trận chung lần này còn nhằm mục đích phòng thủ trước những hành động khiêu khích mới của Triều Tiên. Sau vụ giao tranh, Hàn Quốc cũng lập tức ngừng các chuyến hàng viện trợ gồm xi măng, thuốc men trị giá 506.000 USD cho nạn nhân lũ lụt Triều Tiên. Chính phủ còn yêu cầu 8 nhóm dân sự ngừng cung cấp viện trợ trị giá 2,3 triệu USD cho quốc gia này.

Trong khi đó, phía Triều Tiên cùng ngày cho rằng Hàn Quốc đang làm cho mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên xấu đi khi thực hiện hành động khiêu chiến quân sự và ngừng viện trợ nhân đạo. Hãng thông tấn chính thức KCNA của nước này tuyên bố, Hàn Quốc đang "làm chệch hướng quá trình cải thiện quan hệ liên Triều, phá vỡ các cuộc đàm phán của Hội Chữ thập đỏ liên Triều và đẩy tình hình tới bờ vực chiến tranh bằng chính sách đối đầu với Triều Tiên". Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Triều Tiên đang ở tư thế có thể khai hỏa bất kỳ lúc nào khi đã triển khai các tên lửa đất đối hạm và tàu chiến sẵn sàng.

Trong bối cảnh này, Bộ Chỉ huy lực lượng giám sát hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên của Liên hợp quốc (UNC) ngày 24/11 đã đề xuất tiến hành đàm phán quân sự cấp tướng với Triều Tiên để trao đổi thông tin về vụ giao tranh vừa xảy ra và làm dịu tình hình.

Theo tờ Washington Post, vụ giao tranh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã đặt ra cho nước Mỹ thách thức to lớn về mặt chiến lược đối với một trong những vấn đề được thế giới quan tâm nhiều nhất. Vốn bị ràng buộc bởi hiệp ước cam kết bảo vệ Hàn Quốc, Mỹ giờ không có nhiều lựa chọn đối với Triều Tiên. Nếu Mỹ từ chối đàm phán với Triều Tiên khi nước này chưa từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm vào Hàn Quốc, hoặc có thể tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Mặt khác, nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên, dư luận sẽ cho rằng Mỹ buộc phải nhượng bộ quốc gia này. Ngay cả khi đàm phán diễn ra, cũng không có gì đảm bảo rằng sẽ không có các vụ giao tranh tương tự diễn ra trong tương lai. Hiện nay, quan tâm chính của chính quyền ông Obama là đảm bảo tình hình trên báo đảo Triều Tiên không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ sẽ phải đi trên một con đường rất chông gai nếu muốn đảm bảo tình hình ổn định trên báo đảo Triều Tiên.

Anh Nguyên (P/v TTXVN tại Hàn Quốc) - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN