Cần xử lý tận gốc xe chở hàng quá tải

Hiện nay, vấn nạn xe chở hàng quá tải không chỉ của ngành vận tải hàng hóa đường bộ mà còn là của toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tuổi thọ của các công trình giao thông đường bộ, làm cho phương tiện lưu thông thiếu an toàn, dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...

 

Chế tài thiếu đồng nhất


Theo ông Đinh Nam Dinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe chở hàng quá tải là do các chủ xe cạnh tranh thiếu lành mạnh, muốn giảm giá thành cước vận tải để giành khách hàng. Thậm chí, nhiều trường hợp để bù đắp chi phí, chủ xe đã đưa ra giá cước thấp, nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến việc bắt buộc xe phải chở quá tải để giảm chi phí.


 

Nhiều chủ xe cố tình chở quá tải để cạnh tranh bằng giá cước thấp.

Hiện bài toán chống xe chở hàng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, Bộ GTVT cần phải xử phạt từ gốc, tức là từ các doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, hiện nay các biện pháp kiểm tra hiện hành chưa mang tính đồng bộ, nửa vời, thiếu hiệu quả. Vì thế, để giải bài toán xe chở hàng quá tải cần có ý thức chung của cộng đồng, đồng thời có biện pháp mạnh trên phạm vi cả nước.


Ngoài ra, pháp luật quy định về tải trọng xe hiện còn chồng chéo nhau, mỗi cơ quan ban hành một tiêu chuẩn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì thế, theo ông Dinh, cần phải sửa đổi quy định của pháp luật về vấn đề này cho phù hợp với thực tế hiện nay.

 

Quy rõ trách nhiệm từng đối tượng


Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, cần phải quy định rõ ràng nghĩa vụ và quyền hạn cho từng cá nhân lãnh đạo, các cảng, các kho tàng, bến bãi, các KCN, KCX, các nhà máy, xí nghiệp, công ty xếp dỡ, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải; quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, lực lượng chuyên ngành (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông); cũng như trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu chính quyền các cấp địa phương nếu để xảy ra tình trạng xe chở quá tải trong phạm vi đơn vị, địa phương mình có trách nhiệm quản lý.


Bên cạnh việc quy định trách nhiệm và quyền hạn cụ thể, rõ ràng thì phải quy định cơ chế phối hợp để kiểm tra, xử lý tình trạng xe chở quá tải. Nếu cá nhân, người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra tình trạng xe chở quá tải gây tai nạn trên phạm vi đơn vị, địa phương mình quản lý thì người đứng đầu phải bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật theo pháp luật hiện hành, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Như vậy, việc kiểm tra tải trọng xe sẽ được thực hiện ngay tại gốc là các điểm xuất phát hàng hóa, tránh được trường hợp để xe chở quá tải có điều kiện lưu thông ra đường mới kiểm tra”, ông Dinh nói.


Bộ GTVT cũng cần có quy định về trọng tải xe đồng bộ. Đặc biệt, cần ghi nhận sức kéo của tổ hợp xe đầu kéo sơ mi - rơ moóc chở hàng xuất nhập khẩu theo thông lệ chung của quốc tế, hạn chế tình trạng xử phạt oan cho các chủ xe kinh doanh các loại xe này.


Bên cạnh đó, hình phạt phụ “bị buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ” không còn phù hợp. Theo Hiệp hội, nguyên nhân là do quy định tải trọng chưa đồng bộ. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần phải quy định và công nhận cụ thể tải trọng thiết kế của từng loại phương tiện vận tải. Bởi đối với xe côngtennơ, khi đã niêm phong hàng hóa thì rất khó để thực hiện được chế tài này. Vì chủ trương phương tiện hoặc tài xế không có quyền can thiệp được hàng hóa đóng trong côngtennơ. Nhà vận tải chỉ nhận chở côngtennơ chứ không nhận chở hàng tính theo trọng lượng như các loại hàng rời. Do đó, nếu các trạm kiểm tra xe vẫn áp dụng chế tài như trên thì rất khó để thực hiện. “Xe chở hàng hóa đóng trong côngtennơ dùng để xuất nhập khẩu đã niêm phong hàng hóa của chủ hàng hoặc kẹp chì của hải quan thì đề nghị không được xem là xe chở hàng quá tải. Theo đó, không bị kiểm tra và áp dụng chế tài hạ tải tại các trạm trừ trường hợp có chứng minh trọng lượng hàng hóa đóng trong côngtennơ có trọng lượng vượt quá mức cho phép của các hãng tàu biển theo thông lệ chung của quốc tế”, ông Đinh Nam Dinh đề nghị.


Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN