Cần quản lý vùng nuôi tôm thẻ chân trắng

Sau hơn 5 năm thực hiện chính sách quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh Cà Mau với mục đích đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, những năm đầu số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hơn một năm trở lại đây nông dân Cà Mau đang ồ ạt chuyển đổi mô hình nuôi từ con tôm sú sang tôm thẻ chân trắng.


Ồ ạt nuôi tôm


Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 6.000 ha nuôi tôm công nghiệp, nhưng có đến 80% diện tích là nuôi tôm thẻ chân trắng. Điển hình là ấp Dân Quân, xã Việt Thắng, nếu năm 2013 chỉ có tám hộ nuôi thì đến đầu năm 2014 đã tăng lên thêm 32 hộ. Tại đây, hầu hết các hộ đang cải tạo đất hoặc có ý định sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng khi vay được nguồn vốn. Lợi nhuận cao, thời gian nuôi ngắn, nuôi được nhiều vụ trong năm là những nguyên nhân chính khiến người nuôi tôm ồ ạt chuyển dịch sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp.

 

Nông dân huyện Cái Nước (Cà Mau) thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Huỳnh Ảnh: Thế Anh – TTXVN


Ông Nguyễn Văn Bé, ngụ ấp Dân Quân, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, Cà Mau là người có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng từ khi tỉnh mới quy hoạch vùng nuôi tôm cho biết, sau hai mùa vụ đầu tiên thất bại do không nắm được kỹ thuật nuôi thì đến nay ông đã có vụ nuôi thành công. Với diện tích 2 ha, sau mỗi vụ nuôi, trừ chi phí gia đình ông thu về hơn bốn tỷ đồng.


Ông Hữu Duy Anh, ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước cho biết, thấy nhiều người ở đây nuôi trúng, ông quyết định vay ngân hàng 40 triệu đồng đầu tư 2 hầm tôm có diện tích là 0,5 ha. Sau hai vụ nuôi, dù không lời bao nhiêu nhưng vẫn cao hơn nhiều so với nuôi tôm sú trong cả năm. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng đòi hỏi kỹ thuật nuôi tương đối khắt khe, vốn đầu tư lớn, trung bình cứ một tấn tôm nguyên liệu sẽ có chi phí trên 90 triệu đồng. Nếu tôm không lớn, hoặc lớn chậm chi phí sẽ còn lớn hơn bởi tôm thẻ chân trắng là loại tiêu tốn thức ăn nhiều gấp 3 - 4 lần tôm sú.


Đảm bảo tính bền vững của mô hình


Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là tư tưởng làm theo phong trào, tự phát mà chưa có sự chuyển giao kiến thức về con tôm thẻ chân trắng một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, tình trạng này rất dễ phá vỡ quy hoạch vùng, dẫn đến nguy cơ thừa nguồn tôm nguyên liệu, các vấn đề về giá sẽ không bảo đảm. Ngoài ra, dịch bệnh dễ dàng phát triển cũng là yếu tố đe dọa đến việc phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng một cách bền vững.


Ông Nguyễn Văn Bé chia sẻ, lo ngại nhất chính là việc bà con nuôi tự phát quá nhiều, nuôi không đúng quy trình nuôi tôm công nghiệp (phải có hồ lắng, ao chứa bùn… để khi xả nước thải ra ngoài môi trường phải xử lý sạch mầm bệnh) từ đó nước thải chưa qua xử lý sẽ ra môi trường nước bên ngoài dẫn đến lây lan mầm bệnh cho những hộ nuôi khác. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp.


Theo ý kiến của các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, việc nuôi tôm thẻ chân trắng với những môi trường đất mới, tỷ lệ nuôi thành công là rất lớn. Tuy nhiên, sau nhiều vụ tỷ lệ nuôi thành công sẽ giảm dần và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn do nuôi không đúng quy trình, đất và cả nguồn nước bị ô nhiễm từ đó dịch bệnh dễ phát sinh…


Do đó, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng nuôi, môi trường vùng nuôi, tránh tình trạng người nông dân tự phát nuôi tràn lan mà chưa được chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình. Bên cạnh đó là hạn chế tình trạng dư thừa nguồn nguyên liệu tôm thẻ chân trắng dẫn đến mất giá.

 

Huỳnh Thế Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN