Cần khai thác thế mạnh du lịch tâm linh ở Huế

Thừa Thiên - Huế là một trong số ít địa phương có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh, một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

 

Du khách thăm Đại Nội (Huế).

Trước tiên, Thừa Thiên - Huế là vùng đất có tới 55 vạn tín đồ Phật giáo với hơn 100 ngôi chùa, niệm phật đường, trong đó có nhiều Tổ đình như Từ Đàm, Thiên Mụ rất khang trang và bề thế. Từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, chùa Thiên Mụ đã được bảo tồn, tu bổ với tổng số vốn đầu tư là 27 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ còn có nhiều cổ vật quí không chỉ về mặt lịch sử mà cả về nghệ thuật, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến Huế của du khách.


Hàng năm, lễ hội Điện Huệ Nam (còn gọi Lễ hội Điện Hòn Chén) được tổ chức vào tháng Ba và tháng Bảy Âm lịch tại ngôi điện nằm trên núi Ngọc Trản bên bờ sông Hương, thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Đây là lễ hội dân gian truyền thống được phục hồi theo các tập tục đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương, mang yếu tố văn hóa tâm linh, đề cao đạo hiếu, đạo làm người. Lễ hội bắt đầu từ việc rước Thánh Mẫu đi từ điện Huệ Nam tới đình làng Hải Cát trên những chiếc thuyền được ghép lại thành bè; với long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các khí tự như tán, tàn, cờ, quạt, đội hầu bóng, những người phục dịch và khách hành hương. Từ đình làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, sau đó diễn ra lễ phóng sanh, phóng đăng... sôi động trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm, với sự tham dự của đông đảo bà con địa phương và du khách. Lễ hội thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương mỗi khi mở hội.


Từ năm 2008, tại Thừa Thiên - Huế còn hình thành thêm Trung tâm văn hóa Huyền Trân, tạo thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế lấy ngày 9 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 3/2) để tổ chức Lễ hội đền Huyền Trân. Cùng với ý nghĩa tri ân người có công mở nước, tạo lập vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân cách đây 700 năm trước, Lễ hội đền Huyền Trân cũng là dịp quảng bá sản phẩm du lịch mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, mỗi ngày Trung tâm văn hóa Huyền Trân thu hút hàng ngàn lượt khách đến vãn cảnh và thắp hương tưởng niệm vị công chúa đã có công mở mang bờ cõi nước Việt.


Trung tâm văn hóa Huyền Trân được xây dựng nằm cách thành phố Huế 7 km về phía tây, tại vùng núi Ngũ Phong thuộc xã Thủy An trên khuôn viên rộng 28 ha, có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hóa mang tính tâm linh, về nguồn. Công trình bao gồm đền thờ và tượng đồng Huyền Trân công chúa, tháp chuông Hòa Bình, hệ thống đường đạo, công viên. Bên trong đền thờ Huyền Trân có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37 m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, thành phố Huế cẩn tác. Phía sau là đền thờ đức vua Trần Nhân Tông - vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có pho tượng nhà vua bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3 m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.


Trong tiếng nhạc dập dìu, tiếng chuông vọng ngân vang, sau khi thắp hương cầu nguyện Công chúa Huyền Trân và các bậc công thần khai quốc, đến với Trung tâm văn hóa Huyền Trân, du khách còn có dịp thả bước dưới những tán thông già. Ngắm nhìn tượng ni sư Hương Tràng, cầu nguyện ở tượng Di Lặc, bước lên 246 bậc cấp để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và đến với tháp chuông Hòa Bình. Ở độ cao 108 m, tháp chuông Hòa Bình với quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 m, tiếng chuông ngân vang lan tỏa trong cõi thinh không tĩnh lặng để cầu nguyện cho sự an lành của mỗi con người, đúng như 8 chữ khắc trên mặt chuông: "Thế giới - Hòa Bình - Nhân loại- Hạnh phúc" cùng hình ảnh tượng trưng của 4 chùa: Giác Lâm (TP Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Tất cả đã tạo nên một không gian rất đặc biệt, hướng du khách về với cội nguồn, về với lịch sử hào hùng của dân tộc và chiêm bái, tri ân người có công mở cõi.

Thực tế cho thấy, các điểm đến cho loại hình du lịch tâm linh ở Thừa Thiên - Huế đều được hình thành một cách tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống kinh tế - xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo.


Quốc Việt



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN