Cái giá của sự mất cảnh giác

Cả thế giới dường như đều sốc trước cuộc tấn công bất ngờ tại trường Đại học Garissa (Kenya) do nhóm khủng bố Al-Shabaab hoạt động tại Somalia thực hiện khiến 148 người thiệt mạng. 

Thế giới tưởng đâu Al-Shabaab đã “giãy chết” sau khi mất thủ lĩnh, mất bến cảng, mất các chốt kiểm soát, mất lãnh thổ, mất hàng nghìn tay súng và nguồn tài chính. Thế nhưng, dù không có cả đoàn xe thiết giáp như Boko Haram hay hàng trăm nghìn tay súng cũng các mỏ dầu “đẻ ra tiền” như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Shabaab vẫn có cách để thực hiện những vụ thảm sát đẫm máu với quy mô kinh hoàng không kém.

Về mặt quân sự, Al-Shabaab đang thất thế. Chúng bị truy đuổi khắp mọi nơi, ngay cả trong các thị trấn nhỏ ở Somalia mà chúng kiểm soát, các tay súng Al-Shabaab cũng không an toàn trước các cuộc không kích từ trên trời giáng xuống. Vốn là một nhánh của Al-Qaeda, Al-Shabaab cũng không còn có thể thu về hàng triệu USD nhờ bán than ra nước ngoài như cách đây vài năm.

Binh sĩ Kenya gác trước cổng trường Đại học Garissa sau vụ tấn công của Al-Shabaab ngày 2/4 vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN



Trong khi đó, thủ lĩnh khét tiếng của nhóm này là Ahmed Abdi Godane đã thiệt mạng năm 2014 trong một cuộc không kích của Mỹ. Các phần tử quan trọng khác của Al-Shabaab cũng bị máy bay không người lái tiêu diệt. Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ gần 1 tỷ USD cho lực lượng của Liên minh châu Phi ở Somalia để đối phó với nhóm khủng bố này.

Trong các trận giao tranh với quân đội chính phủ Somalia trên đường phố thủ đô Mogadishu, hàng trăm tay súng Al-Shabaab đã bị tiêu diệt năm 2010. Lực lượng của chúng đã giảm từ lúc cực thịnh là 7.000 tay súng xuống còn 3.000. Chúng cũng để mất bến cảng chính là Kismayo và một số bến cảng nhỏ.

Thế nhưng, “rắn mất đầu” Al-Shabaab vẫn âm thầm mọc thêm đầu mới, tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn tham vọng. Trong vòng hai năm qua, chỉ vài nhóm tay súng trẻ của Shabab đã càn quét khắp Kenya, gieo rắc kinh hoàng từ trung tâm mua sắm, trên xe buýt, tại bến cảng, trong các ngôi làng, gần đây nhất là trường Đại học Garissa… Tổng cộng, chúng đã giết hại gần 600 người ở Kenya, trong đó có vụ khiến lực lượng an ninh nước này khốn đốn chỉ bằng vài tay súng và vài thứ vũ khí hạng nhẹ. Điển hình như vụ tấn công mới nhất vào trường Đại học Garissa, chỉ với 4 tay súng và vài khẩu súng trường bình thường, Shabab đã giết gần 150 con người, đa số là sinh viên.

Vụ tấn công đặt ra một câu hỏi: Làm sao có thể ngăn chặn Al-Shabaab? Các nỗ lực quân sự quốc tế trong những năm gần đây để giành lại các vùng lãnh thổ của Somalia từ tay Al-Shabaab, đẩy chúng ra khỏi sào huyệt ở các bến cảng đều không thể tiêu diệt được chúng. Nhóm khủng bố này không tồn tại dựa vào lãnh thổ, mà đã phi tập trung hóa, liên tục di chuyển từ làng này đến làng kia để thực hiện hành vi khủng bố. Mọi lý thuyết về cách ngăn chặn chúng dường như không có tác dụng.

Có thể nói vụ tấn công vào trường Đại học Garissa đã đánh dấu sự trỗi dậy của Al-Shabaab trên bản đồ khủng bố quốc tế và khiến thế giới phải giật mình. Trong suốt thời gian qua, cái tên Al-Shabaab hầu như ít được nhắc tới khi thế giới mải miết đối phó với những Boko Haram ở Nigeria, những IS ở Trung Đông. Chính sự chủ quan, lơ là với nhóm khủng bố bị đánh giá là đang hấp hối này đã khiến thế giới và Kenya phải trả giá đắt bằng sinh mạng của 148 con người.

Giáo sư Stig Jarle Hansen người Na Uy, tác giả một cuốn sách về Al-Shabaab, khẳng định: “Tôi không thể nhớ đã bao lần nghe thấy câu ‘Al-Shabaab đang hấp hối’ suốt 5 hay 6 thập kỷ qua. Al-Shabaab không hề hấp hối”. Theo ông Hansen, chiến lược chống Al-Shabaab phải tập trung vào con người, đảm bảo an ninh cho các ngôi làng ở Somalia, ngăn chặn tham nhũng trong cơ quan an ninh Kenya.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Matt Bryden ở Nairobi (Kenya) nhận định do Al-Shabaab đang trở nên phi tập trung hóa hơn nên càng khó tiêu diệt tận gốc nhóm này. Ông Bryden cho rằng sức mạnh quân sự không thể diệt nổi nhóm này mà “Phải có tầm nhìn chính trị khắp khu vực mới đối phó được với Al-Shabaab”.

Thùy Dương

Giẫm đạp tại Kenya, hàng trăm người bị thương
Giẫm đạp tại Kenya, hàng trăm người bị thương

Ít nhất một sinh viên đã thiệt mạng và khoảng 140 người bị thương trong một vụ giẫm đạp tại khu ký túc xá Đại học Nairobi do lầm tưởng trường học bị tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN