Hội nghị thượng đỉnh NATO:

Bước ngoặt mới, thách thức mới

(Tin tức) - Hôm nay (19/11), lãnh đạo 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh của khối kéo dài trong hai ngày tại thủ đô Lixbon (Bồ Đào Nha). Hội nghị lần này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử NATO với chương trình nghị sự tập trung vào hai vấn đề quan trọng là lộ trình kết thúc sứ mệnh ở Ápganixtan và Quan điểm Chiến lược mới nhằm đối phó với hàng loạt mối đe dọa trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, NATO phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là ngân sách eo hẹp.

Kế hoạch rút quân khỏi Ápganixtan do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất sẽ được các thành viên NATO xem xét và thông qua trong hội nghị này. Theo đề xuất, 130.000 quân NATO sẽ rút dần khỏi Ápganixtan và từng bước chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho quân đội Ápganixtan đến năm 2014. Cuộc chiến tại Ápganixtan là cuộc chiến lớn nhất và dài nhất mà NATO từng tham gia với khoảng 150.000 quân thuộc 48 quốc gia.

NATO cũng sẽ thông qua Quan điểm Chiến lược mới nhằm trang bị cho khối quân sự này các phương tiện để xử lý những mối đe dọa thời hiện đại như tấn công khủng bố, xung đột khu vực, tấn công trên mạng và thảm họa thiên nhiên. Quan điểm Chiến lược này còn vạch ra đường hướng trong thập kỷ tới của NATO, trong đó tập trung mở rộng mối quan hệ đối tác với các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngoài Quan điểm Chiến lược mới, các lãnh đạo NATO dự kiến sẽ thông qua các kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ phương Tây trước các mối đe dọa từ một số quốc gia khác. Đây là bản sao của kế hoạch do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George Bush đề xuất trước đây và bị Mátxcơva kịch liệt phản đối vì lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nga.

Nhằm xóa bỏ những nghi ngại của Mátxcơva, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã mời Nga tham gia vào sáng kiến phòng thủ tên lửa chung. Người đứng đầu NATO rất hy vọng sự hiện diện của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại Hội nghị ở Lixbon lần này sẽ là cơ hội để xóa "bóng ma quá khứ" từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong quan hệ NATO-Nga.

Trong khi đó, NATO đang đứng trước một thách thức không nhỏ đó là vấn đề ngân sách. Các quan chức Mỹ lo ngại việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh trong thời buổi kinh tế khó khăn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của NATO. Ông Justin Vaisse, một thành viên cấp cao thuộc Viện Brookings, nhận định: "Ảnh hưởng ngắn hạn sẽ là NATO có ít ngân sách hơn cho các hoạt động chung của khối, ít nguồn lực và nhân lực, đặc biệt là thiếu máy bay vận chuyển chiến lược và trực thăng". Do đó, NATO sẽ chỉ là một "lực lượng hỗ trợ", chứ không còn là một liên minh quân sự có thể sẵn sàng triển khai quân và vũ khí nhanh chóng tới một điểm nóng nào đó. Về lâu dài, việc thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị quân sự và công nghệ có thể khiến sự phối hợp giữa châu Âu và Mỹ không được như trước.

Trước đó Mỹ đã có lời cảnh báo về những ảnh hưởng này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng, chiến lược mới dự kiến được thông qua tại Hội nghị Lixbon có thể là vô nghĩa nếu các quốc gia châu Âu không đầu tư thêm vào máy bay, trực thăng và binh lính trực chiến. Ông Gates khẳng định, việc thiếu tiền và khả năng khiến các thành viên khó mà hoạt động và cùng nhau chiến đấu chống lại những mối đe dọa chung.

Theo ông Steven Pifer, một chuyên gia Viện Brookings, dù Quan điểm Chiến lược mới được thông qua nhưng đó chỉ là tầm nhìn của NATO. Mà chỉ tầm nhìn thôi thì chưa đủ, điều quan trọng là biến tầm nhìn đó thành hiện thực.

Thùy Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN