"Bóng ma" khủng hoảng nợ công bao trùm hội nghị G8

Lãnh đạo các nước thuộc Nhóm 8 nền kinh tế phát triển G8 (gồm Anh, Canađa, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Mỹ) đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm tại trại David (Maryland, Mỹ). Hội nghị đồng lòng cam kết hỗ trợ Hy Lạp để nước này có thể ở lại khu vực sử dụng đồng euro, quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đấu tranh với bất ổn tài chính, phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang bị cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đe dọa.


 

Các nhà lãnh đạo G8 cùng đại diện Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh G8. Ảnh:AFP/ TTXVN

 

Trong tuyên bố chung sau hội nghị kết thúc ngày 20/5 (giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường và phục hồi kinh tế, giải quyết các khó khăn tài chính mặc dù thừa nhận các biện pháp ở từng nước không giống nhau.


Tâm điểm của chương trình nghị sự vẫn là vấn đề của Hy Lạp - quốc gia có nguy cơ phải rời khu vực đồng euro (Eurozone). Các nhà lãnh đạo G8 khẳng định lại rằng các nước đều có lợi ích khi Hy Lạp ở lại Eurozone và thực hiện các cam kết của gói giải cứu tài chính. Tuy nhiên, hội nghị không đưa ra được biện pháp cụ thể nào để giúp Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày một trầm trọng.


Theo chuyên gia thuộc Viện Brookings, Domenico Lombardi, tuyên bố chung của hội nghị G8 lần này phản ánh quan điểm mà Mỹ muốn gửi tới châu Âu và các thị trường, rằng không có Hy Lạp, sự ổn định của khu vực đồng euro sẽ bị tổn hại, tác động tiêu cực tới toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng đã cảnh báo về hậu quả cực kỳ nặng nề nếu Hy Lạp rời Eurozone.


Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng nếu Hy Lạp rời khu vực đồng euro, chỉ có người dân Hy Lạp phải chịu tổn thất và các nước châu Âu còn lại có thể chống đỡ được hậu quả.


Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nước châu Âu noi gương Mỹ để có những biện pháp theo hướng thúc đẩy kinh tế phát triển, cho rằng phát triển và tạo công ăn việc làm phải là "ưu tiên hàng đầu". Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng ủng hộ tăng trưởng và cân bằng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Nhằm giảm nhẹ các bất đồng, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định ổn định tài chính và phát triển là không thể tách rời nhau và không nên đặt chúng vào thế tương phản nhau. Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo đảm sự ổn định về tài chính của Eurozone.


Ngoài cam kết hỗ trợ Hy Lạp, G8 còn tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ thị trường dầu mỏ và sẵn sàng tìm cách tăng nguồn cung khi cần thiết.


Liên quan đến vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, tuyên bố chung nhấn mạnh tới việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán nhằm giải tỏa những quan ngại xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Các nhà lãnh đạo hối thúc Iran nắm bắt cơ hội để chứng tỏ chương trình hạt nhân vì hòa bình tại cuộc đàm phán với Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên HĐBA và Đức) ở Bátđa (Irắc) vào ngày 23/5 tới.


Tuyên bố cũng kêu gọi chính phủ Xyri và các phe phái tại quốc gia Trung Đông này lập tức thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arập Kofi Annan. Các nhà lãnh đạo hối thúc Xyri chấm dứt mọi hình thức bạo lực, mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện do chính người Xyri đứng đầu.


Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ) - T.D

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN