“Bơm” 600 tỷ USD, FED hứng búa rìu dư luận

Sau khi đưa ra quyết định “bơm” một lượng tiền “khủng” - 600 tỷ USD - vào nền kinh tế Mỹ hôm 4/11 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt từ các quốc gia, đảng Cộng hòa Mỹ và từ chính các quan chức trong nội bộ FED.

Kế hoạch “bơm tiền” của FED liệu có giải quyết được vấn đề thất nghiệp hay những hàng dài chờ việc làm như thế này vẫn tiếp diễn?

Chương trình “bơm” 600 tỷ USD của FED mới được công bố nhằm mục đích đẩy lãi suất xuống thấp hơn cả mức hiện nay. FED hi vọng rằng các khoản vay lãi suất thấp sẽ kích thích người dân Mỹ vay tiền và chi tiêu nhiều hơn. Nhờ đó, nền kinh tế sẽ mạnh hơn, khuyến khích các công ty tuyển dụng người lao động nhiều hơn, tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế.

Sau quyết định trên, nhiều người không có chung quan điểm, hi vọng như FED và đã thể hiện bằng hàng loạt chỉ trích. Dẫn đầu làn sóng này là bà Sarah Palin, một nhân vật hàng đầu của đảng Cộng hòa cho vị trí ứng cử viên tổng thống năm 2012 và là lãnh đạo của phong trào chính trị Tea Party. Trong một bài phát biểu chuẩn bị cho một hội nghị thương mại toàn cầu diễn ra tại Phoenix vào ngày 15/11 tới, bà Palin nhấn mạnh rằng không nên "đùa" với lạm phát. Bài phát biểu xuất hiện trên trang web của tạp chí National Review có đoạn: "Chúng ta không muốn có một sự tăng trưởng kinh tế tạm thời, giả tạo, phải trả bằng cái giá của tình trạng lạm phát cao kéo dài. Điều đó sẽ ăn mòn thu nhập và tiết kiệm của chúng ta. Chúng ta muốn một đồng USD ổn định cùng với một kế hoạch cải cách kinh tế thực sự. Đây là cách duy nhất để chúng ta có thể đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng". Bà Palin khẳng định kế hoạch “bơm” tiền này của FED sẽ phải trả một giá đắt và "đã đến lúc Chủ tịch Ben Bernanke từ chức".

Ông Rand Paul, người vừa giành được ghế thượng nghị sĩ của bang Kentucky trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vừa qua, thậm chí còn muốn giải thể FED. Ông Paul nhận xét, mặt được của động thái “bơm” thêm tiền vào nền kinh tế của FED là "rất ít" và sẽ tạo ra lạm phát nghiêm trọng. Còn hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Paul, cho biết ông có ý định kêu gọi thanh tra các quyết định chính sách tiền tệ của FED vào năm 2011 nếu ông giành được quyền kiểm soát một tiểu ban của quốc hội có quyền giám sát FED.

Trong nội bộ FED, một số quan chức cũng bày tỏ sự hoài nghi về quyết định “bơm” tiền này. Một trong số đó là ông Kevin Warsh, một người thân cận của ông Ben Bernanke và là 1 trong 10 quan chức FED từng bỏ phiếu tán thành kế hoạch 600 tỷ USD. Dù bỏ phiếu tán thành, song trong bài phát biểu tại phiên họp thường niên của Hiệp hội thị trường tài chính và chứng khoán ở New York, ông Warsh cho rằng kế hoạch này không những sẽ không đem lại những lợi ích to lớn và lâu dài cho nền kinh tế Mỹ mà còn chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro về lạm phát quá cao. Vị quan chức FED còn cảnh báo FED sẽ phải xem lại kế hoạch này nếu đồng USD tiếp tục tụt giá, giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao. Còn Richard Fisher, Chủ tịch FED tại Dallas, gọi kế hoạch 600 tỷ USD là "một liều thuốc kê nhầm", chẳng khác nào in thêm tiền để trả nợ chính phủ. Theo ông, nó có thể dẫn tới tình trạng bong bóng đối với giá cả hàng hóa, chứng khoán và các tài sản khác.

Phản ứng về quyết định của FED từ các nước cũng không kém phần mạnh mẽ. Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác lo ngại rằng lượng tiền khổng lồ 600 tỷ USD sẽ làm ngập lụt thị trường tài chính. Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) trong một bài bình luận ngày 9/11 cho rằng FED đang "liều lĩnh với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu". Tác giả bài viết kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) cần khẩn cấp thiết lập một cơ chế mới giám sát hiệu quả các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED. Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble, trước đó gọi quyết định của FED là "vô căn cứ".

Tuy nhiên, trái ngược với luồng dư luận, ông James Bullard, Chủ tịch FED ở St. Louis, cho rằng quyết định của FED "lợi nhiều hơn hại" và sẽ giúp ngăn chặn tình trạng giảm phát. Tổng thống Mỹ Barack Obama và một số quan chức Mỹ cũng lên tiếng bảo vệ FED và coi đây là một cách để kích thích kinh tế, duy trì sự ổn định toàn cầu.

Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN