Bộ Y tế chưa công bố dịch tay chân miệng

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 32.600 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng tại 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 81 người bị tử vong. Trung bình mỗi tuần gần đây, vẫn có thêm khoảng 2.000 người mắc bệnh và những ca bệnh bị tử vong do bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế khẳng định, dịch tay chân miệng vẫn chưa “nóng” tới mức Bộ Y tế phải công bố dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: “Thẩm quyền công bố dịch Trong Luật Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở y tế đối với bệnh nhóm B và nhóm C; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch”.

Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh thuộc nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể tử vong như sốt xuất huyết, bệnh sốt rét, bệnh thủy đậu…). Do đó, thẩm quyền công bố dịch tay chân miệng thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thành, theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành đó. Trường hợp có hai tỉnh, thành trở lên công bố dịch bệnh ở nhóm B thì tùy theo tính chất, quy mô của dịch, Bộ Y tế cũng có thể công bố dịch nếu xảy ra một trong các tình huống như: Số ca mắc bệnh vượt quá sự kiểm soát của cơ quan y tế địa phương; tác nhân gây bệnh đã biến đổi trở thành nguy hiểm đối với sức khỏe con người; gây ra bệnh cảnh lâm sàng nặng, tỷ lệ tử vong cao và các biệp pháp phòng chống không có hiệu quả; tình hình dịch bệnh xảy ra trong điều kiện thảm họa.

“Nếu căn cứ vào những quy định nêu trên thì hiện chưa tới thời điểm Bộ Y tế công bố xảy ra dịch tay chân miệng tại Việt Nam. Thực tế, tới nay chưa có địa phương nào công bố dịch. Qua theo dõi của các Viện nghiên cứu thì tác nhân gây bệnh tay chân miệng cũng chưa biến đổi, các biện pháp phòng chống dịch đưa ra vẫn hiệu quả. Hiện tại, cũng không có tỉnh nào có bệnh nhân tay chân miệng ở trong tình trạng bị thảm họa", ông Bình khẳng định.

Mặc dù, Bộ Y tế chưa công bố dịch tay chân miệng, song theo nhận định của các chuyên gia y tế, nếu không có biện pháp kịp thời thì dịch bệnh này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, nhất là khi các trường đồng loạt khai giảng.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng dịch tại các địa phương, Bộ Y đang tăng cường hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng như: Vệ sinh môi trường, các kỹ thuật vệ sinh cá nhân, nâng cao nhận thức của phụ huynh, người chăm sóc trẻ, nhất là việc giữ sạch bàn tay cho trẻ em.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN