"Bộ tứ Normandy" thúc đẩy đối thoại trong Nhóm tiếp xúc về Ukraine

Lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angele Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 30/4 đã có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine và việc thực thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy.


Người phát ngôn điện Kremlin cho biết các bên xác nhận tiến bộ trong việc thực hiện lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột. Các bên đặc biệt quan tâm đến việc thành lập các tổ làm việc trong Nhóm tiếp xúc về Ukraine nhằm thực hiện đối thoại giữa chính quyền Kiev và đại diện lực lượng đòi độc lập vùng Donbass.



Dự kiến các tổ làm việc của Nhóm tiếp túc về Ukraine sẽ tiến hành các cuộc họp đầu tiên sau khoảng 1 tuần nữa. Các bên cũng thảo luận vấn đề cung cấp khí đốt của Nga cho Ukraine, thỏa thuận tiếp tục hoạt động của nhóm Bộ tứ Normandy ở các cấp độ khác nhau.


Trong khi đó, điện Elyse cho biết sẽ có 4 tổ công tác của Nhóm tiếp xúc về các vấn đề kinh tế và khôi phục cơ sở hạ tầng, vấn đề người tị nạn, vấn đề chính trị và an ninh. Đây là lúc khởi đầu giai đoạn chính trị trong việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk. Các bên xác nhận thực hiện ngừng bắn là ưu tiên tuyệt đối. Các bên cũng khẳng định cần chấm dứt vi phạm lệnh ngừng bắn, đặc biệt tại các điểm nóng như Mariupol, Shchastye, sân bay Donetsk và khu vực Shyrokyno.


Các bên khẳng định vai trò trung tâm của Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) trong việc củng cố lệnh ngừng bắn và giám sát việc rút vũ khí hạng nặng. Cần để các quan sát viên OSCE tự do di chuyển thực hiện nhiệm vụ cũng như có thể thiết lập các trạm quan sát mới. Các bên cũng nhất trí cần cùng với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thúc đẩy phóng thích tù binh.


Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine cho biết các bên ủng hộ đề xuất của Tổng thống Poroshenko phi quân sự hóa điểm nóng Shyrokyno và bố trí một trạm của OSCE tại điểm dân cư này.


Các bên nhấn mạnh cần thực hiện thỏa thuận Minsk và kêu gọi tuân thủ nghiêm lệnh ngừng bắn toàn diện tại Donbass. Các bên cũng cho rằng cần cho phép OSCE thực hiện giám sát lệnh ngừng bắn tại 10 điểm dọc giới tuyến giữa hai bên xung đột đã được thỏa thuận trước đó. Ngoải ra các bên cũng thảo luận các vấn đề khác liên quan đến an ninh, nhân đạo và kinh tế.


Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/4, phát biểu tại thủ đô Ottawa sau khi gặp Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, Ngoại trưởng Canada Rob Nicholson tuyên bố nước này sẽ viện trợ thêm cho Ukraine 14 triệu USD và khẳng định Ottawa luôn ủng hộ Kiev.


Trong cam kết viện trợ trên, 8 triệu USD sẽ dành để hỗ trợ cuộc chiến chống nạn buôn bán trẻ em và thanh thiếu niên, 3 triệu USD dành cho tiêm phòng bệnh bại liệt, 1,6 triệu USD dành cho bảo vệ nhân quyền, số tiền còn lại sẽ được dùng hỗ trợ giáo dục pháp luật. Trước đó, Canada từng cam kết viện trợ 400 triệu USD để hỗ trợ Ukraine ổn định và cải cách kinh tế.


TTXVN/Tin tức
Nga sẽ không gây chiến với Ukraine
Nga sẽ không gây chiến với Ukraine

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định Ukraine không phải kẻ thù của Moskva và cho rằng "Kiev cũng đủ thông minh để không khiêu khích Moskva".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN