Binh sĩ Mali bắt giữ thủ tướng

Ngày 11/12, nhiều giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ tại nhà riêng, Thủ tướng Mali Cheick Modibo Diarra đã tuyên bố từ chức và giải tán nội các. Trong bài phát biểu ngắn trên Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia ORTM, Thủ tướng Diarra không cho biết lý do ông đưa ra quyết định trên.


 

Ngày 11/12, Thủ tướng Diarra lên truyền hình tuyên bố từ chức sau khi bị một nhóm binh sĩ bắt giữ.  Ảnh: AFP chụp qua truyền hình ORTM

Theo một nguồn tin an ninh Mali trước đó, khoảng 20 binh sĩ đã phá cửa vào nhà riêng của Thủ tướng Diarra và bắt ông này đến doanh trại quân đội Kati ở ngoại ô thủ đô Bamacô. Nguồn tin này cho hay vụ bắt giữ được tiến hành theo lệnh của Đại úy Amadou Sanogo, nhân vật từng cầm đầu vụ nổi loạn lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure hôm 22/3 khiến Mali rơi vào khủng hoảng chính trị. Tình trạng rối ren sau vụ đảo chính đã tạo điều kiện cho lực lượng Hồi giáo cực đoan mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền bắc Mali.


Ngay sau khi ông Diarra tuyên bố từ chức, Bakary Mariko, người phát ngôn của nhóm binh sĩ thực hiện vụ bắt giữ thủ tướng, tuyên bố với báo giới rằng, đây không phải là một cuộc đảo chính mới và người thay thế ông Diarra sẽ được Tổng thống Dioncounda Traore chỉ định trong những giờ tới.


 

Đại úy Sanogo cầm đầu nhóm bắt giữ thủ tướng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tạp chí "Focus" dẫn một nguồn tin gần gũi với Đại úy Sanogo cho biết, Thủ tướng Diarra bị buộc phải từ chức để chấm dứt tình trạng “rắn hai đầu” ở Mali. Trong khi Mali cần khẩn cấp giành lại miền Bắc từ tay các nhóm vũ trang chiếm đóng và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do, minh bạch, thì cộng đồng quốc tế không biết nên làm việc với ai: Thủ tướng Diarra ủng hộ giải pháp quân sự để giành lại miền Bắc hay Tổng thống Traore chủ trương giải quyết bằng thương lượng.


Trước những diễn biến trên, bà Catherine Ashton phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/12 đã kêu gọi Tổng thống Traore nhanh chóng chỉ định một thủ tướng mới được tất cả các bên chấp nhận, đồng thời đề nghị quân đội ngừng ngay hành động can thiệp vào các vấn đề chính trị của đất nước. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra tuyên bố lên án hành động bắt giữ Thủ tướng Diarra và yêu cầu Đại úy Sanogo không can thiệp vào chính trị.


Nhiều tuần qua, căng thẳng đã leo thang giữa các binh sĩ cầm đầu vụ đảo chính ngày 22/3 và ông Diarra, người được chính quyền quân sự chỉ định làm thủ tướng khi chuyển giao quyền lực cho một chính phủ chuyển tiếp sau đảo chính. Cuối tuần qua, ông Diarra đã tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi Liên hợp quốc ra nghị quyết ủng hộ sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Mali để đánh đuổi các nhóm Hồi giáo cực đoan, có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đang nổi lên ở miền Bắc nước này.


Những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Phi (AU) tháng trước đã thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào Mali; theo đó triển khai 3.300 quân tới Mali để hỗ trợ 5.500 binh sĩ nước này giành lại quyền kiểm soát ở miền Bắc nằm dưới sự chiếm đóng của các nhóm phiến quân Hồi giáo từ hơn nửa năm nay. EU cũng vừa quyết định đưa 350-400 quân đến Mali trong thành phần phái bộ quân sự được cử đến để giúp chính quyền nước này khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

 

Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN